Doanh nghiệp cần nhận thức rõ về thương mại xanh để tận dụng ưu đãi UKVFTA

12.05.2023

Để tận dụng tốt hơn ưu đãi từ Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Anh (UKVFTA), các nhà xuất khẩu Việt Nam cần lưu ý đến thương mại xanh và công bằng nhất, hiện đang là xu hướng phát triển tất yếu của thương mại toàn cầu.

Kể từ sau quá trình Vương quốc Anh ra khỏi Liên minh châu Âu, nước này đã và đang xây dựng bộ quy tắc và luật chơi thương mại riêng của mình, phù hợp với chính sách “nước Anh toàn cầu”. Trong đó, đẩy mạnh thúc đẩy các chính sách thương mại xanh và công bằng, song song với việc đàm phán, ký kết và thực thi hàng loạt hiệp định thương mại với các đối tác trên thế giới, trong đó có Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA).

Theo đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Anh, các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Anh quốc ngày càng quan tâm hơn đối với vấn đề môi trường và khí hậu, và không còn nghi ngờ gì, doanh nghiệp Việt phải chuyển đổi nhanh để thích ứng tốt hơn.

Thương mại xanh là cơ hội để tạo ra hàng hóa và dịch vụ thân thiện với môi trường, là cơ hội để hàng hóa thích ứng với các tiêu chuẩn ngày càng cao liên quan đến bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu. Đây cũng là “tiêu chí xanh” đối với hàng xuất khẩu vào thị trường Anh. Tuy nhiên, quá trình đạt mục tiêu về trung hòa carbon sẽ làm chuyển dịch lợi thế so sánh xuất khẩu từ các lĩnh vực thâm dụng nhiều lao động và năng lượng sang các lĩnh vực áp dụng kỹ thuật tiên tiến hơn, xanh hơn.

Theo bà Nguyễn Khánh Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công thương), trong thời gian tới, với những tiêu chuẩn môi trường mới, các nhà xuất khẩu Việt Nam phải nắm bắt được xu thế xanh, đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực, hướng đến sản xuất xanh.

Việc theo đuổi chiến lược xanh hóa sản phẩm sẽ giúp khách hàng trên thị trường nước ngoài có thiện cảm hơn với sản phẩm của các doanh nghiệp, tạo nên lợi thế cạnh tranh.

Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi để thực hiện những cam kết quốc tế về phát triển bền vững, tiết kiệm năng lượng và cam kết về khí hậu. Đối với các doanh nghiệp, đây cũng là cơ hội để tạo ra hàng hóa và dịch vụ thân thiện với môi trường, là cơ hội để hàng hóa thích ứng với các tiêu chuẩn ngày càng cao liên quan đến bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu.

Ông Phạm Nguyên Hùng - Phó Cục trưởng Cục điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương cho hay: "Chuyển đổi nhiên liệu trong ngành điện sẽ giúp mạnh mẽ trong chuyển dịch năng lượng và đạt mục tiêu phát thải ròng vào 2050".

Ngoài điện, các ngành hàng xuất khẩu cũng kỳ vọng tìm cơ hội tại thị trường Anh.

Theo bà Lý Thị Ngân - Chánh Văn phòng Hiệp hội Nhôm Việt Nam, dựa vào Hiệp định UKVFTA, các mặt hàng nhôm của Việt Nam cũng đang có khá nhiều lợi thế. Mở rộng xuất khẩu sang thị trường Anh cũng là mục tiêu của các nhà sản xuất nhôm trong nước.

Hiệp định UKVFTA chính thức có hiệu lực từ 01/05/2021. Về thương mại hàng hóa, Anh cam kết sẽ xóa bỏ 85,6% số dòng thuế cho hàng hóa của Việt Nam ngay khi Hiệp định có hiệu lực (từ 01/01/2021), xóa bỏ đến 99,2% số dòng thuế từ 01/01/2027, và 0,8% số dòng thuế còn lại sẽ được hưởng hạn ngạch thuế quan (với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%).

Với các cam kết này, nhiều sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như thủy sản, dệt may, linh kiện điện tử, đồ gỗ, cà phê, gạo, hoa quả … sẽ có lợi thế khi tiếp cận thị trường Anh trong bối cảnh nhiều Quốc gia chưa có FTA với Vương quốc Anh, đón đầu làn sóng chuyển dịch nhu cầu do xu thế phát triển xanh và bền vững của Vương quốc Anh.

Trong năm 2022, tổng kim ngạch thương mại hai chiều cả năm tăng 3,3%. Trong đó, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam có sự tăng trưởng tốt như: cà phê (tăng 61%); đá quý, kim loại quý và sản phẩm (tăng 56%); đồ chơi, dụng cụ thể thao và bộ phận (tăng 59%); giày dép các loại (tăng 40%); hàng dệt may (tăng 36%); dây điện và dây cáp điện (tăng 30%); sản phẩm điện tử và linh kiện (tăng 28%); máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác (tăng 37%)... Ngoài ra, điện thoại các loại và linh kiện vẫn đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD.

Ở chiều ngược lại, một số sản phẩm xuất khẩu hàng hóa có thế mạnh của Anh quốc tiếp tục đạt kim ngạch lớn như: dược phẩm (81,9 triệu USD); máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác (184 triệu USD); ô tô nguyên chiếc các loại (28,5%); cũng như nhiều ngành hàng có tốc độ tăng trưởng ổn định như: sản phẩm hóa chất (tăng 3,5%), sản phẩm từ chất dẻo (tăng 28,3%), thủy sản (23,8%)…

Theo MOIT

In bài Share