Doanh nghiệp cần gì để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu?

12.08.2023

(HQ Online) - Để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu đòi hỏi các doanh nghiệp phải có sự chuẩn bị một cách bài bản và kỹ lưỡng.

Bộ Công Thương tổ chức tọa đàm hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu kết nối với Viet Nam International Sourcing 2023.
Bộ Công Thương tổ chức tọa đàm hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu kết nối với Viet Nam International Sourcing 2023.

Tại buổi toạ đàm hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu kết nối với Viet Nam International Sourcing 2023 do Bộ Công Thương tổ chức ngày 11/8, ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, nhằm hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp trong nỗ lực tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, thích ứng với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, cũng như thúc đẩy kết nối giữa các kênh phân phối, nhà nhập khẩu nước ngoài với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trong nước, Bộ Công Thương chủ trì tổ chức Chuỗi sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế” (Viet Nam International Sourcing 2023) từ ngày 13-15/9/2023 tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Sài Gòn (SECC), TP Hồ Chí Minh.

Đây là sự kiện được kỳ vọng “hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu tìm đầu ra”, kết nối hiệu quả hơn trong bối cảnh xuất khẩu gặp khó khăn, giúp các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế.

Sự kiện diễn ra trong bối cảnh trong những năm gần đây, Việt Nam đã và đang chuyển mình mạnh mẽ để trở thành một trung tâm sản xuất lớn toàn cầu với khả năng cung ứng cho thị trường thế giới nhiều mặt hàng đa dạng, phong phú về chủng loại, cạnh tranh về giá cả và với chất lượng ngày càng được cải thiện.

Đồng thời, sau đại dịch và những bất ổn địa chính trị - kinh tế gần đây, nhiều tập đoàn, nhiều kênh phân phối bán lẻ/bán buôn đang đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa, đảm bảo nguồn cung bền vững và đã lựa chọn Việt Nam là địa điểm chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu của họ.

Ngoài hướng đến mục tiêu thúc đẩy xuất khẩu, Viet Nam International Sourcing 2023 còn có thêm các hoạt động bên lề hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực, phát triển bền vững khi bước ra thị trường toàn cầu.

Theo Tập đoàn Aeon tại Việt Nam, mục tiêu chính của đoàn thu mua là tìm kiếm các DN sản xuất tại Việt Nam có năng lực và đáp ứng các tiêu chí, quy chuẩn của Aeon để trở thành đối tác cung ứng bền vững không chỉ tại Việt Nam mà còn trong hệ thống Aeon TopValu toàn cầu. Đoàn cũng sẽ có hoạt động đi thăm vùng nguyên liệu, vùng trồng, nhà máy sản xuất.

Tổng giám đốc Aeon Topvalu Việt Nam Shiotani Yuichiro cho rằng, quan điểm mua hàng của Aeon rất đơn giản là làm sao để đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, giá cả cũng là mức giá tương xứng với chất lượng của sản phẩm. Tiêu chuẩn chất lượng cũng có quy định riêng biệt dựa trên phản ánh của khách hàng về nhu cầu khi tới mua sắm. Do vậy, doanh nghiệp cần nỗ lực chuyển đổi sang mô hình sản xuất tích hợp để tối ưu hoá quy trình và tăng cường hiệu quả sản xuất.

Ví dụ ngành dệt may, theo ông Shiotani Yuichiro, sản phẩm may mặc có khả năng cạnh trang là sản phẩm đến từ quy trình sản xuất tích hợp. Thưc tế ngành dệt may rất khó để cải thiện khả năng cạnh tranh thông qua phát triển theo chiều rộng để tăng số lượng đơn vị sản xuất hoặc hạ giá thành sản phẩm.

Do vậy, một trong những điều kiện tiên quyết để ngành dệt may Việt Nam bắt kịp trình độ thế giới và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu đó là cải thiện năng lực sản xuất vải. Bởi cho đến nay đa số doanh nghiệp trog nước phải nhập khẩu vải và chỉ thực hiện công đoạn gia công xuất khẩu.

Ông Phạm Tùng Linh, Phó Tổng giám đốc, Tổng công ty Đức Giang cho rằng, 6 tháng đầu năm doanh nghiệp dệt may rất khó khăn, tuy nhiên từ quý 3 năm 2023 trở đi có dấu hiệu tích cực từ thị trường Hoa Kỳ và EU, đơn hàng đã bắt đầu quay trở lại. Hiện, Đức Giang đã có đơn hàng hết năm 2023 và đang tìm kiếm đơn hàng cho năm 2024.

Khi thị trường khó khăn, doanh nghiệp đã mở rộng tìm kiếm khách hàng ở những thị trường mới như đã ký được đơn hàng với một số nhà mua hàng Nhật Bản. Thông qua sự kiện kết nối, doanh nghiệp kỳ vọng sẽ kết nối được các kênh phân phối quốc tế. Hiện, bên cạnh thị trường xuất khẩu, Đức Giang cũng tập trung phát triển thị trường trong nước, đưa sản phẩm vào hệ thống phân phối của Aoen Việt Nam.

Để có thể tiếp cận thị trường, nhà mua hàng, ông Trần Ngọc Quân, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Bỉ và EU cho rằng, doanh nghiệp cần phải tìm hiểu xu hướng mới trong sản xuất và tiêu dùng của thế giới. Chẳng hạn tại Bỉ và EU xu hướng tiêu dùng, thực phẩm đều hướng đến sản phẩm xanh sạch. Sản phẩm dệt may, da giầy cũng hướng tới xanh, sạch, bền vững với môi trường.

Do vậy, doanh nghiệp cần có sự chuyển hướng trong đầu tư để chuyển đổi sản xuất. Hiện, doanh nghiệp Bỉ ngày càng quan tâm tới thị trường Việt Nam. Doanh nghiệp Bỉ tìm đối tác để sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu và cùng bán hàng ở Việt Nam và bán hàng ra nước ngoài.

 

Thái Sơn

 

 

 

TAGS:

doanh nghiệp thu mua cung ứng toàn cầu


 

In bài Share