DN Hoa Kỳ mong muốn tìm kiếm các đối tác Việt để tham gia chuỗi cung ứng
(Chinhphu.vn) - Các tập đoàn lớn như Boeing, Walmart, Amazon và nhiều công ty của Hoa Kỳ bày tỏ mong muốn tìm kiếm các doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, thương mại giữa hai nước Việt Nam, Hoa Kỳ đã có những bước phát triển quan trọng. Ảnh: VGP/LD
Chiều 13/9, tại TPHCM, Bộ Công Thương phối hợp với UBND TPHCM tổ chức Diễn đàn Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ trong khuôn khổ chuỗi sự kiện "Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế" năm 2023 (Viet Nam International Sourcing 2023).
Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, hai nước Việt Nam, Hoa Kỳ đã có những bước phát triển quan trọng. Kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều liên tục chứng kiến tốc độ tăng trưởng ở mức cao, tăng hơn 275 lần, từ mức khoảng 450 triệu USD ( năm 1995) lên tới 124 tỷ USD (năm 2022). Hoa Kỳ nhiều năm liên tục là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, thời gian qua, tình hình kinh tế khó khăn và tỉ lệ lạm phát tăng cao tại Hoa Kỳ làm cho sức mua các mặt hàng tiêu dùng giảm đáng kể và đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ giảm trong những tháng đầu năm. Tuy nhiên, sự sụt giảm này được đánh giá mang tính thời điểm chứ không phải là xu hướng chủ đạo trong thời gian tới.
Ông Hải cho biết, xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng trở lại trong những tháng gần đây cho thấy sự khởi sắc cho năm 2023. Các mặt hàng xuất khẩu truyền thống và có thế mạnh của Việt Nam như dệt may, đồ gỗ, da giày, điện tử… được đánh giá sẽ tiếp tục hồi phục với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tích cực.
Đặc biệt, ngày 10/09/2023 vừa qua, Việt Nam và Hoa Kỳ đã chính thức nâng cấp quan hệ lên mức đối tác chiến lược toàn diện.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, điều này sẽ tạo cơ hội chưa từng có để thúc đẩy những lĩnh vực hợp tác mới, mang tính đột phá, xây dựng nội lực để Việt Nam thực sự có mặt trong các chuỗi giá trị toàn cầu. Trong đó tập trung việc đẩy mạnh sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực cung ứng nguyên vật liệu, linh kiện cho ngành năng lượng, hàng không, kinh tế số, hệ sinh thái bán dẫn, ứng dụng trí tuệ nhân tạo…
Tại Diễn đàn Thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ, các doanh nghiệp hai nước thảo luận thẳng thắn về những lĩnh vực tiềm năng - Ảnh: VGP/LD
Nhiều cơ hội hợp tác mới với các DN Hoa Kỳ
"Diễn đàn sẽ mang lại cơ hội quan trọng để các nhà quản lý, chuyên gia và doanh nghiệp hai nước thảo luận thẳng thắn về những lĩnh vực tiềm năng và là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng nguyên vật liệu và linh kiện của chuỗi cung ứng ngành hàng không và năng lượng. Từ đó, góp phần tạo động lực cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước xây dựng chiến lược tiếp cận, mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, thúc đẩy hoạt động trao đổi thương mại và đầu tư giữa hai nước theo hướng cân bằng và bền vững", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chia sẻ.
Chia sẻ tại diễn đàn, các tập đoàn lớn như Boeing, Walmart, Amazon và nhiều tập đoàn, công ty của Mỹ bày tỏ mong muốn thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, trong đó có chuỗi sự kiện "Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế" năm 2023 (Viet Nam International Sourcing 2023) đang diễn ra tại TPHCM để có thể tìm kiếm được các đối tác là các DN Việt tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu của họ.
Ông Maxime Dourdan, Giám đốc Phát triển chuỗi cung ứng của Boeing khu vực Đông Nam Á, Nhật Bản và Hàn Quốc đánh giá cao tiềm năng và vị trí quan trọng của thị trường Việt Nam đối với chiến lược kinh doanh của Boeing cũng như cơ hội và khả năng hợp tác với các doanh nghiệp trong nước, qua đó, sẽ giúp Boeing thực hiện thành công kế hoạch phát triển đầu tư và kinh doanh hiệu quả tại Việt Nam.
Ông Maxime Dourdan chia sẻ, trong thời gian tới, Boeing sẽ tập trung vào 3 định hướng chính, gồm: Làm sâu sắc hơn quan hệ thương mại trong lĩnh vực hàng không với các hãng hàng không tại Việt Nam; hợp tác trong một số lĩnh vực đặc thù như máy bay trực thăng, vận tải; đầu tư phát triển chuỗi cung ứng phụ tùng, thiết bị hàng không tại Việt Nam.
Nhiều DN Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ qua sàn thương mại điện tử Amazon - Ảnh: VGP/LD
Ở lĩnh vực bán lẻ, ông Avaneesh Gupta, Phụ trách tìm nguồn cung ứng hàng hóa và trang phục tổng hợp siêu thị Walmart cho rằng, Việt Nam là một trong những thị trường có nguồn cung ứng quan trọng nhất của Walmart và cũng là trung tâm tìm nguồn cung ứng trên khắp Đông Nam Á. Hiện sản phẩm may mặc, các thiết bị phần cứng và đồ gia dụng… thu mua từ Việt Nam đã được hệ thống xuất khẩu trên toàn cầu, bao gồm: Hoa Kỳ, Canada, Mexico, Chile và Trung Quốc. Hiện, đội ngũ mua hàng của hệ thống đang mở rộng tìm kiếm nguồn cung của Việt Nam cho nhóm sản phẩm thực phẩm như: hải sản, hạt điều, sữa đậu nành, cà phê, trái cây tươi và đồ ăn nhẹ từ trái cây…
Tại diễn đàn, nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam đang có cơ hội lớn để trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu trong bối cảnh thương mại quốc tế đối mặt nhiều thách thức như thiếu nguồn nguyên liệu thô, dư chấn của đại dịch vẫn kéo dài, ảnh hưởng đến nhu cầu và khả năng cung cấp hàng hóa. Muốn tận dụng được cơ hội này, các DN Việt Nam cần không ngừng đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, hướng đến sản xuất xanh, bền vững và chủ động hơn trong việc xúc tiến thương mại.
Theo HCM Portal