Để xuất khẩu bền vững: Tuân thủ Thỏa thuận Xanh của EU

29.11.2023

Nhiều năm nay Liên minh châu Âu (EU) luôn là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam. Muốn xuất khẩu bền vững, việc quan tâm theo dõi sát Thỏa thuận Xanh của EU (EGD) để có sự chuẩn bị phù hợp, sẵn sàng tuân thủ là đòi hỏi cấp bách đối với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu Việt Nam...

Muốn xuất khẩu bền vững, cần quan tâm theo dõi sát Thỏa thuận Xanh của EU. Muốn xuất khẩu bền vững, cần quan tâm theo dõi sát Thỏa thuận Xanh của EU.

Thỏa thuận Xanh của EU thông qua và triển khai từ đầu năm 2020. Đây là gói các sáng kiến chính sách khung của EU nhằm mục tiêu xây dựng EU thành khu vực trung hòa về phát thải khí nhà kính vào năm 2050 và giảm thiểu việc sử dụng các nguồn lực tự nhiên trong phát triển kinh tế.

THÁCH THỨC SONG HÀNH CÙNG CƠ HỘI

Việc EU từng bước thực thi các mục tiêu trong Thỏa thuận Xanh sẽ có tác động trực tiếp tới các hoạt động kinh doanh với thị trường EU, trong đó có hoạt động sản xuất, xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam vào thị trường này. Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết theo rà soát của VCCI, EU đã ban hành gần 60 hành động để thực thi Thỏa thuận Xanh. Theo đó, những quy định của EU sẽ có tác động tới các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam trên ba góc độ chính.

(i) Làm gia tăng tiêu chuẩn xanh đối với các sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang EU; (ii) làm gia tăng trách nhiệm tài chính xanh của một số nhà sản xuất liên quan đến những sản phẩm có khả năng gây ô nhiễm môi trường trong sản xuất khi nhập khẩu vào EU; (iii) làm tăng trách nhiệm giải trình về nguồn gốc sản phẩm cũng như các yêu cầu liên quan đến tác động môi trường của quá trình sản xuất, sử dụng và thải bỏ sản phẩm.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, cho biết EU là thị trường xuất khẩu lớn hàng dệt may và giày dép của Việt Nam. Song, đây cũng là những ngành hàng có thể bị ảnh hưởng bởi Thỏa thuận Xanh EU.

Cụ thể là kế hoạch hành động nền kinh tế tuần hoàn sẽ yêu cầu các sản phẩm dệt may phải được sản xuất bằng các vật liệu và quy trình thân thiện với môi trường, đồng thời đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững và dán nhãn sinh thái nghiêm ngặt. Các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực này sẽ cần điều chỉnh quy trình sản xuất và đầu tư vào công nghệ mới để duy trì tính cạnh tranh.

Tương tự, ngành bao bì phải được làm bằng vật liệu thân thiện với môi trường và có thể tái chế hoàn toàn. Hoặc đối với nông sản và thủy sản, Thỏa thuận Xanh EU đặt ra một cách tiếp cận nông nghiệp bền vững và thân thiện với môi trường hơn. Ngành sắt thép cũng có khả năng bị ảnh hưởng do Thỏa thuận Xanh EU đặt ra mục tiêu giảm sử dụng các vật liệu sử dụng nhiều năng lượng và chuyển sang sử dụng các vật liệu bền vững hơn.

Đối với ngành cà phê, ông Đỗ Xuân Hiền, Chánh Văn phòng Hiệp hội Cà phê - ca cao Việt Nam (VICOFA), cho biết EU là thị trường quan trọng nhất đối với ngành cà phê của Việt Nam, khi tổng khối lượng xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang thị trường EU hàng năm đạt khoảng 40%, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1,5 tỷ USD.

Với quy định Luật Chống phá rừng (EUDR) ảnh hưởng rất lớn tới ngành cà phê, đặc biệt là ảnh hưởng tới người trồng cà phê. Hơn nữa, EU yêu cầu về quy định trách nhiệm thẩm định giải trình rất phức tạp, để thực hiện trách nhiệm này mất rất nhiều thời gian công sức. Hiện, ngành cà phê của Việt Nam chỉ có khoảng trên 30% được chứng nhận sản xuất cà phê bền vững của EU, còn lại trên 60% chưa được chứng nhận.

Tuy nhiên, ông Hiền cho rằng các yêu cầu của EUDR cũng đưa đến những cơ hội với ngành cà phê của Việt Nam. Đó là, Chính phủ Việt Nam đã có quy định đóng cửa rừng từ năm 2016, gần như diện tích rừng đã được bảo vệ.

Ngoài ra, diện tích cà phê của Việt Nam từ năm 2020 (hạn chót để thực hiện trách nhiệm thẩm định có phá rừng hay không) không tăng, có xu hướng ổn định, thậm chí hơi giảm. Trong đó, tổng diện tích cà phê năm 2021 theo thống kê là 710.000 ha, năm 2022 giảm còn 709.000 ha. Do vậy, việc phá rừng hoặc sử dụng diện tích của rừng để trồng cà phê là gần như không có. Đây là cơ hội chứng minh với EU rằng ngành cà phê Việt Nam không phá rừng để trồng cà phê.

Còn một cơ hội nữa, theo ông Hiền, đó là tinh thần vào cuộc của Chính phủ Việt Nam, nhất là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có rất nhiều phiên làm việc với EU về môi trường, bàn về giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hộ nông dân triển khai đáp ứng các quy định của EU.

Cùng với đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp chặt chẽ hơn với Bộ Tài nguyên và Môi trường để thống nhất bản đồ tài nguyên rừng. Hiện nay, chúng ta cần đưa ra bản đồ tài nguyên rừng duy nhất và đàm phán với EU. Khi được công nhận, từ đó mới tham chiếu được diện tích cà phê của Việt Nam có vi phạm vào diện tích rừng hay không.

CHỦ ĐỘNG CHUYỂN ĐỔI XANH ĐÓN CƠ HỘI

Để chuẩn bị cho các tác động của Thỏa thuận Xanh EU, đón cơ hội thị trường, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch VCCI, khuyến nghị việc tìm hiểu kỹ, theo dõi và thích ứng với các chính sách trong khuôn khổ Thỏa thuận Xanh EU liên quan tới sản phẩm của mình là đòi hỏi cấp bách đối với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu Việt Nam. Việc này sẽ duy trì và phát triển xuất khẩu bền vững ở thị trường EU, nhiều thị trường khác cũng đang có những hành động chuyển đổi xanh theo hướng tương tự.

Theo đó, các doanh nghiệp cần cân nhắc áp dụng những biện pháp bền vững và thân thiện với môi trường hơn nữa. Chẳng hạn: giảm phát thải khí nhà kính, tăng hiệu quả sử dụng năng lượng và sử dụng vật liệu tái chế.

Đối với cơ chế điều chỉnh carbon, thay vì mua chứng chỉ carbon của EU, các doanh nghiệp nên bắt đầu thực hiện các bước để giảm khí thải carbon trong quá trình sản xuất.

Đồng thời, cần chuyển từ mô hình sản xuất và xuất khẩu chỉ tập trung vào sản lượng sang mô hình sản xuất hiện đại, chú trọng tới yếu tố môi trường và phát triển bền vững. Chuyển đổi số và áp dụng các công nghệ mới trong hoạt động sản xuất; đầu tư vào nghiên cứu và phát triển để tạo ra các công nghệ và sản phẩm mới, đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững do Thỏa thuận Xanh EU đặt ra.

Theo bà Trang, Thỏa thuận Xanh EU không phải một bộ tiêu chuẩn xanh cố định, cũng không phải là một kế hoạch mà là một lộ trình chi tiết đầy đủ và tổng thể cho việc chuyển đổi xanh của EU. Đó là sự tập hợp rất nhiều chính sách và đang diễn tiến rất nhanh chóng.

Vì thế, đối với các doanh nghiệp Việt Nam, điều quan trọng nhất là cần phải tìm hiểu để biết về những diễn tiến, hành động của EU trong khuôn khổ Thỏa thuận Xanh EU có ảnh hưởng đến sản xuất và xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này...

 

Hữu Hưng

In bài Share