Cơ hội còn bỏ ngỏ cho hàng nông sản Việt tại Ukraine

18.04.2023

Trong bối cảnh người tiêu dùng Ukraine ưa chuộng thực phẩm châu Á trong khi Thái Lan lại đang bỏ trống thị trường này do khó khăn về vận chuyển, đây có thể là cơ hội cho nông sản Việt tiếp cận thị trường Ukraine.

Chiều 19/4, Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương) và Phòng Thương mại Ukraine phối hợp tổ chức hội thảo trực tuyến “Kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Việt Nam – Ukraine”.

Trong thời gian qua, do tình hình xung đột quân sự phức tạp tại Ukraine, quan hệ kinh tế, đầu tư với Ukraine cũng bị ảnh hưởng. Hội thảo diễn ra nhằm thúc đẩy tăng cường thương mại, tìm kiếm cơ hội xuất khẩu sản phẩm chủ lực thế mạnh của Việt Nam sang Ukraine như nông sản, may mặc, da giày, hàng tiêu dùng, linh kiện điện tử…, bù đắp sự thiếu hụt hàng hóa hiện tại của Ukraine.

Hội thảo có sự tham gia của hơn 50 doanh nghiệp Việt Nam và 25 doanh nghiệp Ukraine hoạt động trong các lĩnh vực như tư vấn xuất nhập khẩu, đồ gỗ, nông nghiệp, thực phẩm, chế tạo máy, luyện kim, công nghiệp hóa chất…

Phát biểu tại sự kiện, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ Nguyễn Khánh Ngọc nhận định, kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1992 đến nay, quan hệ hợp tác song phương trên tất cả các lĩnh vực đều phát triển tốt đẹp, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế của Việt Nam - Ukraine

Trong đó, quan hệ thương mại và đầu tư luôn được đánh giá là lĩnh vực tiềm năng. Hiện, các mặt hàng truyền thống của Việt Nam xuất khẩu sang Ukraine vẫn là thủy sản, dệt may, cà phê, hạt điều, linh kiện, vi tính.

Về đầu tư, tính đến nay, Ukraine đã đầu tư vào Việt Nam khoảng 30 triệu USD với 27 dự án, đứng thứ 69 trong tổng 143 quốc gia, vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam.

Ngược lại, đầu tư từ Việt Nam vào Ukraine chủ yếu do người Việt Nam sinh sống trong khu vực. Bà Ngọc cho biết, mong muốn Ukraine tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp người Việt có vốn đầu tư tại Ukraine được hoạt động hiệu quả, đóng góp vào sự phát triển kinh tế của hai nước.

Trong bối cảnh hiện nay, bà Ngọc cho rằng vẫn có những tín hiệu tích cực để doanh nghiệp hai bên cùng nỗ lực phục hồi thương mại, đầu tư mà việc có đông đảo doanh nghiệp tham gia hội thảo hôm nay là một minh chứng.

Theo Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Ukraine Hoàng Đình Chại, Ukraine đang cố gắng xúc tiến ký kết hiệp định thương mại tự do với nhiều quốc gia, ký kết các thỏa thuận để thực hiện các biện pháp thiết thực giúp đỡ hoạt động kinh doanh của Ukraine. Trong đó, Ukraine thấy rằng việc hợp tác với Việt Nam là đặc biệt tốt trong giai đoạn tái thiết đất nước.

“Các doanh nghiệp của Ukraine đã và đang có hoạt động tích cực trở lại sau 4 tháng tạm dừng. Hiện đã có hiệp hội, doanh nghiệp Ukraine về Việt Nam xúc tiến và tìm nguồn hàng. Thương vụ cũng đã nhận được thông tin quan tâm đến hàng hóa của Việt Nam như gạo, lương thực thực phẩm, các sản phẩm vải phục vụ may mặc…”, ông Hoàng Đình Chại nói.

Đánh giá về tiềm năng hợp tác giữa hai nước, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Ukraine (UCCI) Valery Korol bày tỏ mong muốn tham gia vào những hội chợ, hội thảo quốc tế liên quan đến kinh tế, thương mại sắp được diễn ra tại Việt Nam để tìm kiếm cơ hội.

Các lĩnh vực hợp tác tiềm năng của hai nước trong bối cảnh hiện nay

Phó Chủ tịch UCCI Valery Korol cho rằng, Ukraine mong muốn được hợp tác với Việt Nam trong ngành nông nghiệp, lương thực thực phẩm, chế tạo máy móc, hóa chất, công nghệ thông tin...

Ông Hoàng Đình Chại cũng nhận định, người tiêu dùng Ukraine có thói quen dùng thực phẩm châu Á, đặc biệt của Trung Quốc, Việt Nam và Thái Lan. Trong khi đó, Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu về lương thực như thủy sản, gạo, hạt tiêu, hạt điều.

“Đây sẽ là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận Ukraine, đặc biệt trong bối cảnh Thái Lan và Hàn Quốc đang gần như bỏ trống thị trường này do khó khăn về vận chuyển”, ông Chại nhận định.

Các mặt hàng dệt may, dược phẩm, thuốc tân dược cũng được cho là lĩnh vực hợp tác, bổ sung cho nhau giữa hai nước.

Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Ukraine Hoàng Đình Chại phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Lê Hồng Nhung
Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Ukraine Hoàng Đình Chại phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Lê Hồng Nhung

Ngoài ra, doanh nghiệp Ukraine cũng quan tâm đến lĩnh vực tư vấn xuất nhập khẩu, tư vấn pháp lý, logistics, đồ gỗ, chế tạo máy, luyện kim…

Ngược lại, Việt Nam nhập khẩu nhiều sắt thép từ Ukraine. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, mặt hàng trên vẫn đang thiếu trầm trọng.

Trong lĩnh vực đầu tư, doanh nghiệp Ukraine đang đối mặt với tình trạng thiếu vốn. Do vậy, doanh nghiệp Việt có thể đầu tư, liên kết mua nhà máy. Đây sẽ là cơ hội tốt để đầu tư, sản xuất và xuất khẩu hàng hóa sang châu Âu khi Ukraine giáp biên giới với 10 quốc gia châu Âu.

Lưu ý khi xuất khẩu hàng hóa sang Ukraine thời điểm hiện tại

Chia sẻ về khó khăn đang diễn ra trong vấn đề giao thương, Phó Chủ tịch UCCI Valery Korol cho rằng, việc vận chuyển hàng hóa qua cảng biển tại Ukraine đang gặp khó khăn khi 92% hàng hóa xuất khẩu từ Ukraine ra thế giới phải qua các nước châu Âu.

Trong khi đó, theo Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Ukraine Hoàng Đình Chại, mặc dù cảng biển chính của Ukraine là Odessa đã mở cửa nhưng chỉ ưu tiên hàng lương thực. Do vậy, hàng hóa vào Ukraine tạm thời sẽ được cập cảng ở các nước châu Âu và vận chuyển bằng đường bộ (chủ yếu là đường sắt) vào Ukraine.

Mặt khác, do cảng biển đóng cửa, nên giá cước vận chuyển hàng hóa vào thị trường này tăng lên đáng kể, cụ thể một container có thể lên tới 6000 – 7000 USD.

Về vấn đề thanh toán, ông Chại đề nghị doanh nghiệp cần tìm hiểu rõ thông tin, trao đổi rõ phương thức vận chuyển và thanh toán, doanh nghiệp nên yêu cầu đặt cọc trước lô hàng.

Trong vấn đề bảo hiểm, trước đây, các công ty không muốn bảo hiểm cho lô hàng hóa vào Ukraine ra. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, các lô hàng vào thị trường này đã được tạo điều kiện với quỹ bảo hiểm ở mức tối thiểu 0,5-1,5%/giá trị lô hàng.

Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong quý 1/2203, Việt Nam xuất khẩu 5,1 triệu USD hàng hóa sang Ukraine, giảm 88% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, giày dép là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất với 2,5 triệu USD. Đứng thứ 2 là hàng thủy sản với 898 triệu USD…

Nếu như trong quý 1/2022, Việt Nam ghi nhận xuất khẩu hàng rau quả, hạt điều, cà phê, cao su và sản phẩm từ chất dẻo sang Ukraine thì trong quý này lại không ghi nhận số liệu xuất khẩu.

Quý 1/2023, Việt Nam nhập khẩu 7,74 triệu USD hàng hóa từ Ukraine, giảm 92% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 582.910 USD, giảm 68% so với cùng kỳ năm 2022; hàng hóa khác đạt 7,1 triệu USD; giảm 93% so với cùng kỳ năm 2022.


 

Theo MekongAsean

In bài Share