Chinh phục thị trường trong EVFTA bằng thương hiệu uy tín
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) giúp doanh nghiệp tăng trưởng mạnh mẽ bất chấp những khó khăn từ biến động kinh tế thế giới. Để tận dụng triệt để cơ hội này, các doanh nghiệp phải xây dựng thương hiệu uy tín.
Theo Bộ Công Thương, trong 15 Hiệp định FTA Việt Nam đang thực thi, ba FTA thế hệ mới là CPTPP, EVFTA và UKVFTA mang lại nhiều lợi thế cho doanh nghiệp Việt Nam. Các hiệp định thương mại mới này đã tạo nhiều dư địa để các doanh nghiệp trong nước có điều kiện tiếp cận và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc quá mức vào thị trường các nước Đông Á.
Ba năm qua, các hiệp định thương mại tự do này đã giúp kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng mạnh mẽ. Cụ thể, CPTPP giúp kim ngạch xuất khẩu sang các quốc gia thành viên trong năm 2021 tăng 18,1% so với năm 2020. EVFTA giúp thương mại hai chiều giữa việt Nam và EU trong năm 2021 tăng 14,5% so với năm 2020.
Đáng lưu ý, trong năm 2022, kim ngạch trao đổi thương mại giữa các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đạt 62,24 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2021.
Kim ngạc xuất khẩu của Việt Nam sang các nước EU đạt 46,8 tỷ USD, tăng 16,7% so với năm 2021. Kim ngạch nhập khẩu từ các nước EVFTA đạt 15,4 tỷ USD, giảm 8,6% so với năm 2021.
Kim ngạch xuất khẩu sang EU theo mẫu C/O theo EVFTA (theo mẫu EUR.1) đạt 12,1 tỷ USD, chiếm 25,9% xuất khẩu chung sang EU, tăng 49,4% so với năm 2021. Nhiều mặt hàng quan trọng của Việt Nam xuất khẩu sang EU tiếp tục có tỷ lệ tận dụng tích cực. Chẳng hạn thủy sản đạt 82,9% tăng 29,5% so với năm 2021. Rau quả đạt 72,6%, tăng 34,2%; giày dép đạt 99,5%, tăng 49,7%; dệt may đạt 15,7% tăng 43,4%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 14,2% tăng 85,2%...
Các thị trường xuất khẩu chính là Hà Lan, chiếm 22,3%, Đức chiếm 19,2%, Italy chiếm 9,5%, Bỉ chiếm 8,5%, Pháp chiếm 7,9%...
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu từ EU ghi nhận mức sụt giảm so với năm 2021. Nhiều mặt hàng nhập khẩu quan trọng từ EU như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 8,6%, máy móc, thiết bị giảm 15,9%, dược phẩm giảm 4,5%, sản phẩm hóa chất giảm 1,7%, nguyên phụ liệu dệt may, da giày giảm 21,4%, máy móc thiết bị giảm 15,9%. Các thị trường nhập khẩu chính trong khối EU là Đức (chiếm 23,5%) Ailen (chiếm 21,7%), Italy chiếm 11,6%, Pháp chiếm 10,6%...
Thặng dư thương mại của Việt Nam với các nước EU trong năm 2022 đạt 31,4 tỷ USD, tăng 35,1% so với năm 2021. Tuy nhiên, dù mức thặng dư thương mại lớn thứ 2, chỉ sau Hoa Kỳ nhưng tỷ trọng thị trường EU trong tổng kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam còn chưa cao, tương ứng là 12,6% và 4,3%.
Về phía địa phương trong số các tỉnh có báo cáo số liệu xuất nhập khẩu thì có 49/63 tỉnh thành đã phát sinh hoạt động xuất khẩu với các nước EVFTA, tăng 11 tỉnh so với năm 2021. Địa phương có trao đổi thương mại với các nước EVFTA lớn nhất là Thành phố Hồ Chí Minh, tiếp theo là tỉnh Bắc Ninh, tỉnh Thái Nguyên và Thành phố Hà Nội. Các mặt hàng xuất khẩu từ các địa phương sang các nước EVFTA bao gồm nhiều máy vi tính, sản phẩm điện tử, linh kiện, điện thoại và linh kiện, giày dép; máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng khác.
Dù đã tận dụng được các cơ hội từ EVFTA, tuy nhiên vẫn còn nhiều yếu tố cản trở doanh nghiệp hưởng lợi từ Hiệp định này, như: thiếu thông tin, năng lực cạnh tranh còn hạn chế, nguồn vốn và công nghệ còn thấp. Song song đó, việc doanh nghiệp thiếu định vị thương hiệu tại thị trường các FTA này cũng khiến họ khó tận dụng được cơ hội
Để tận dụng được tất cả các cơ hội từ FTA, các chuyên gia khuyến nghị doanh nghiệp phải cập nhật các thông tin mới; hướng dẫn, đào tạo đội ngũ cách tiếp cận FTA; sẵn sàng cải tiến sản phẩm, quy trình để đáp ứng quy định của các thị trường quốc tế và đủ tiêu chuẩn để hưởng lợi từ các hiệp định thương mại. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải chọn lọc sản phẩm xuất khẩu và xây dựng thương hiệu doanh nghiệp và thương hiệu sản phẩm. Hiện nay, EU là thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam và muốn xuất khẩu vào thị trường này, doanh nghiệp cần sản xuất những sản phẩm chất lượng cao. Khi sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam có thương hiệu tại thị trường EU sẽ giúp doanh nghiệp phát triển bền vững và có cơ hội lan tỏa sang các thị trường khác trên thế giới.
Theo MOIT