Cần tạo cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất hàng Việt
Để Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thực sự đạt hiệu quả cao, đưa hàng Việt chiếm trọn niềm tin của người Việt, vẫn còn nhiều việc phải làm, đặc biệt về những cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp Việt, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Các doanh nghiệp Việt được tham gia nhiều hội chợ để quảng bá sản phẩm tới người tiêu dùng. Ảnh: VGP/Diệu Anh
Nhiều năm qua, Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trên địa bàn TP. Hà Nội đã trở thành một cầu nối thiết thực giúp hàng hóa, dịch vụ sản xuất kinh doanh trong nước đến gần người tiêu dùng Việt Nam hơn, với chất lượng ngày càng được nâng lên.
Sở Công Thương Hà Nội đã triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng và thực hiện hiệu quả cuộc vận động như hỗ trợ doanh nghiệp và phát triển thương mại điện tử, theo đó tháo gỡ khó khăn, triển khai cơ chế, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử trên các sàn như Shopee, Lazada.
Đồng thời, phối hợp với các tỉnh tổ chức liên kết vùng, quảng bá và tiêu thụ nông sản, sản phẩm OCOP. Tổ chức các đoàn giao thương, khảo sát và ký kết hợp đồng tại các tỉnh, thành phố trọng điểm, tổ chức các sự kiện hội chợ và triển lãm.
Thực hiện chương trình bình chọn hàng Việt, khuyến mại tập trung, tổ chức tuần hàng Việt tại ngoại thành và khu công nghiệp, phát triển điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP…
Giám đốc Công ty TNHH Thiết kế thời trang Tân Mỹ (quận Hoàn Kiếm) Nguyễn Thùy Linh cho rằng, việc tham gia Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" và được bình chọn "Hàng Việt Nam được nhiều người tiêu dùng yêu thích" đã tạo cơ hội cho các doanh nghiệp quảng bá sản phẩm Việt cũng như dần thay đổi được nhận thức của người dân Việt Nam về việc nên dùng hàng Việt.
Tuy nhiên, để Cuộc vận đồng này thực sự đạt hiệu quả cao, đưa hàng Việt chiếm trọn niềm tin của người Việt, vẫn còn nhiều việc phải làm, đặc biệt về những cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Dưới góc độ doanh nghiệp, Giám đốc Công ty CP VietSense Travel Nguyễn Văn Tài cho rằng nên cho doanh nghiệp có một không gian để tự quảng bá giới thiệu sản phẩm trên một số nền tảng, như tạo ra một app chuyên về chương trình bình chọn "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" cho doanh nghiệp đưa sản phẩm lên đó quảng bá dần theo đúng nội dung hồ sơ họ đã nộp để bình chọn sản phẩm, sẽ chủ động hơn trong việc đưa thông tin.
Đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho biết, để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trong tình hình mới, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghệ số tham gia các chuỗi liên kết sản xuất - cung ứng - dịch vụ giá trị cao, tiêu dùng bền vững, ưu tiên sử dụng hàng hóa, nguyên vật liệu do Việt Nam sản xuất, Hà Nội sẽ triển khai công tác tuyên truyền về ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam đến đông đảo người tiêu dùng.
Nâng cao nhận thức và trách nhiệm xã hội của cộng đồng, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân về sản xuất và tiêu dùng bền vững thông qua các cơ quan truyền thông. Tuyên truyền đến các doanh nghiệp và đơn vị sản xuất về ý thức sản xuất sản phẩm an toàn, chất lượng, giá cả phù hợp, và thường xuyên thay đổi mẫu mã theo nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, TP. Hà Nội cùng các tỉnh, thành phố tạo điều kiện cho hoạt động giao thương và kết nối tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp, hợp tác xã, và hộ nông sản sản xuất kinh doanh trên địa bàn thông qua tổ chức các chương trình, hoạt động giao thương, hội chợ, triển lãm, và tôn vinh sản phẩm Việt.
Các đơn vị tham gia quảng bá thương hiệu sản phẩm, kết nối và hợp tác với các kênh phân phối tiêu thụ sản phẩm trong nước và hỗ trợ xuất khẩu thông qua hệ thống phân phối nước ngoài như Aeon, Lotte, Central Group.
Tăng cường tổ chức cho các doanh nghiệp tham gia các hội nghị giao thương trực tuyến với tham tán thương mại và các tổ chức quốc tế. Hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác xúc tiến thương mại thị trường ngoài nước.
Ngoài ra, TP. Hà Nội sẽ có các chính sách ưu đãi dành cho các dự án phù hợp với năng lực của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghệ số tham gia các chuỗi liên kết sản xuất - cung ứng - dịch vụ giá trị cao, tiêu dùng bền vững, ưu tiên sử dụng hàng hóa và nguyên vật liệu do Việt Nam sản xuất.
Thông qua các giải pháp trên sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", từ đó hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh và góp phần phát triển kinh tế đất nước.
Hữu Hưng