Hệ thống Thương vụ - Cầu nối đưa hàng Việt đi khắp 5 châu
Bằng sự chắt chiu cơ hội, nỗ lực bền bỉ của Chính phủ, Bộ Công Thương và cộng đồng doanh nghiệp, đến nay, nhiều sản phẩm hàng Việt đã có mặt tại 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Để đạt được kết quả này, có sự góp sức quan trọng của hệ thống cơ quan Thương vụ - những “sứ giả” kinh tế làm cầu nối đưa những thương hiệu Việt đi xa hơn.
Nhớ lại thời điểm Việt Nam mới gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), khi trao đổi với lãnh đạo Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương), một doanh nghiệp sản xuất đã bày tỏ mong ước đến một ngày nào đó, hàng hóa "Made in Việt Nam" tiếp cận được hệ thống phân phối của nước ngoài, có được vị thế trên thị trường thế giới như "Made in Japan", "Made in Korea".
Đến nay, với đường lối đúng đắn, kiên định về hội nhập kinh tế của Đảng và Nhà nước ta, hàng hóa “Made in Vietnam” đã được xuất khẩu tới hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam cũng từng bước trở thành điểm đến được lựa chọn hàng đầu của nhiều tập đoàn, công ty hàng đầu thế giới. Dòng chữ "xuất xứ từ Việt Nam" đã được người tiêu dùng ở nhiều thị trường "khó tính" như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Australia... tin cậy, lựa chọn.
Việt Nam đã có tên trong top 30 quốc gia, vùng lãnh thổ có giá trị xuất khẩu hàng hóa lớn nhất trên thế giới. Việt Nam cũng trở thành một nền kinh tế có độ mở cao nhất trên thế giới, cán cân thương mại hàng hóa được cải thiện, chuyển dần từ nhập siêu sang xuất siêu nhiều năm liền.
Theo thống kê gần đây của WTO, trong số 50 quốc gia có nền thương mại hàng hóa lớn nhất thế giới, Việt Nam có mức tăng trưởng lớn nhất khi dịch chuyển từ vị trí thứ 39 vào năm 2009 lên vị trí 23 sau đó chỉ 10 năm (năm 2019). Năm 2023, dù kim ngạch xuất nhập khẩu giảm theo bối cảnh chung của toàn cầu, nhưng cán cân thương mại tiếp tục giữ vững năm thứ 8 liên tiếp, với mức thặng dư rất lớn, lên tới 28 tỷ USD.
Trong thành tích chung đó, có sự đóng góp rất quan trọng của hệ thống thương vụ Việt Nam tại nước ngoài. Đặc biệt, cùng với sự phát triển của công nghệ, hệ thống Thương vụ Việt Nam đã kết nối với cộng đồng doanh nghiệp và cơ quan quản lý "ở nhà" để kịp thời cung cấp bằng những thông tin giá trị về những biến động trong chính sách quản lý, thị hiếu của người tiêu dùng tại nhiều thị trường trọng điểm.
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến về công tác phát triển thị trường với các cơ quan đại diện thương mại Việt Nam ở nước ngoài ngày 19/8/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, hệ thống thương vụ Việt Nam tại nước ngoài thời gian qua đã làm tốt nhiệm vụ cung cấp thông tin về chính sách, nhu cầu thị trường, xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong nước.
Tuy nhiên, từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát và giai đoạn sau đó, bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động dị biệt, chưa từng có tiền lệ đòi hỏi công tác thương vụ phải đổi mới mạnh mẽ, toàn diện để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã nêu rõ quan điểm phải đổi mới công tác Thương vụ; hoạt động của Thương vụ phải mang tính hiệu quả, thiết thực như là khâu đột phá trong xuất khẩu của công tác xúc tiến thương mại. Không được để cơ quan quản lý bị động, doanh nghiệp chịu thiệt thòi vì chậm nắm bắt thông tin, tuột mất cơ hội hợp tác, giao thương...
Từ chỉ đạo của Bộ trưởng, các cuộc giao ban xúc tiến thương mại giữa các đại diện Thương vụ Việt Nam tại các nước với cộng đồng doanh nghiệp trong nước đã diễn ra định kỳ cuối mỗi tháng. Từng cuộc giao ban đều có các chủ đề rõ ràng về khu vực thị trường, về ngành hàng xuất khẩu... Có thể thấy rõ không khí tương tác đổi mới, sôi nổi và đặc biệt thiết thực như thông điệp của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhiều lần lưu ý, thước đo về hội nhập không phải là ký kết, thực hiện bao nhiêu hiệp định FTAs, mà vấn đề chủ yếu nằm ở chỗ doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu tới đâu, khai thác cơ hội từ các FTAs đến mức nào.
Tinh thần trao đổi, tương tác nhiều chiều đã khích lệ các địa phương, doanh nghiệp và chuyển thành tâm thế làm việc chủ đạo của các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ. Các đơn vị chức năng đã cung cấp, cập nhật thường xuyên cho doanh nghiệp các thông tin tình hình thị trường, những biến động và thay đổi trong chính sách thương mại, chính sách quản lý xuất nhập khẩu của các nước sở tại, cũng như khuyến nghị những biện pháp vượt qua hàng rào kỹ thuật, vượt qua các công cụ bảo hộ mậu dịch mới…
Quay trở lại câu chuyện ước mơ đưa hàng Việt thâm nhập hệ thống phân phối nước ngoài ở đầu bài viết. Có thể khẳng định, bên cạnh những kênh tiếp xúc đàm phán cấp cao của Chính phủ, Bộ Công Thương liên tục trong những năm qua, hệ thống thương vụ Việt Nam đã miệt mài, bền bỉ để đưa hàng Việt Nam tiếp cận các chuỗi phân phối nước ngoài, trực tiếp bán cho người tiêu dùng bản địa dưới thương hiệu Việt Nam.
Có thể kể đến hàng loạt hoạt động xúc tiến thương mại, Tuần hàng Việt Nam được tổ chức tại nhiều quốc gia trong những năm qua. Thành công có và cũng có cả những vấn đề chưa được như kỳ vọng. Nhưng những người làm công tác thương vụ hiểu rất rõ rằng đây là một phương thức hiệu quả, bền vững và có tầm quan trọng trong công tác xây dựng, định vị thương hiệu quốc gia.
Cũng cần nói thêm rằng, đây là một nhiệm vụ không hề dễ dàng. Khi đa phần những mặt hàng thế mạnh như của Việt Nam cũng là mục tiêu cạnh tranh của một số nước trong khu vực tại các thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Australia, Trung Đông...
Sản phẩm Cơm ViệtNam Rice được bày bán tại Siêu thị Carrefour
Từ nỗ lực không ngưng nghỉ những năm qua, năm 2024 đánh dấu những bước chuyển rất ấn tượng trong công tác đưa thương hiệu Việt thâm nhập hệ thống phân phối nước ngoài.
Đơn cử như sản phẩm gạo mang thương hiệu “Cơm Vietnam rice” của Tập đoàn Lộc Trời (An Giang) hay các đặc sản gia vị của DHFoods và các loại sốt của Cholimex - những doanh nghiệp “thuần Việt” đã dần xuất hiện ngày một nhiều trong các hệ thống phân phối lớn ở Pháp như siêu thị Carrefour và E.Leclerc. Đây là một thành công hết sức có ý nghĩa. Bởi với gần 600 đại siêu thị và hàng trăm siêu thị nhỏ trên toàn lãnh thổ Pháp, thì E.Leclerc là một trong những hệ thống bán lẻ lớn nhất ở quốc gia này và châu Âu.
Hay như thị trường Australia, hiện Việt Nam nằm trong các quốc gia có nhà cung cấp gạo lớn nhất vào Australia với kim ngạch tăng trưởng tốt, năm 2023 đạt hơn 30 triệu USD. Trong tháng 4/2024, kim ngạch xuất khẩu gạo tăng 18%.
Cùng với gạo, trái cây là mặt hàng có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tốt. Hiện ngoài 4 sản phẩm của Việt Nam được cấp phép xuất khẩu sang Australia là xoài, nhãn, vải, thanh long, còn có quả bưởi đang được xem xét mở cửa thị trường. Giữa tháng 5/2024 vừa qua, hơn 1 tấn vải thiều Thanh Hà đã được xuất khẩu thành công sang Australia qua đường hàng không.
Tương tự, quả vải thiều Việt Nam vào hệ thống siêu thị Hoa Kỳ cũng thể hiện sự nỗ lực kết nối không mệt mỏi của Thương vụ Việt Nam tại quốc gia này. Hành trình đưa được quả vải thiều vào hệ thống siêu thị lớn của Hoa Kỳ như Costco, Safeway, Albertsons, khó khăn nhất là khâu chiếu xạ theo yêu cầu của Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Hoa Kỳ (APHIS), trong khi ở Việt Nam mới có cơ sở chiếu xạ tại TP Hồ Chí Minh. Do đó, Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ đã đàm phán với APHIS chấp thuận cho Việt Nam bổ sung thêm một đối tác giao dịch và ký thỏa thuận với APHIS trong quá trình phê duyệt cơ sở chiếu xạ cho sản phẩm.
Cùng với vải thiều, hiện có thanh long, xoài, nhãn, vải, chôm chôm, vú sữa, bưởi và dừa của Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ.
Đây là những bước phát triển quan trọng trong thúc đẩy hợp tác thương mại nông sản giữa hai nước, mở đường cho các loại hoa quả tiềm năng khác của Việt Nam thâm nhập vào thị trường Hoa Kỳ trong tương lai.
Hoặc như với thị trường tỷ dân Trung Quốc, những hoạt động xúc tiến, kết nối tiêu thụ nông, lâm thủy sản Việt Nam được Bộ Công Thương, cơ quan thương vụ hết sức chú trọng.
Gần nhất, tại Lễ hội trái cây Việt Nam lần thứ nhất với chủ đề “Trái cây Việt Nam - Bốn mùa thơm ngon” (29-30/9/2024) tại Trung tâm Phân phối Nông sản Tân Phát Địa, quận Phong Đài, thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Công Thương, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc và Hiệp hội rau quả Việt Nam tổ chức có sự tham gia của đông đảo các doanh nghiệp nông sản lớn tại Việt Nam và các hiệp hội chuyên ngành nông sản, nhà nhập khẩu, cung tiêu của Trung Quốc.
Đây là hoạt động quảng bá về hình ảnh và thương hiệu để phát triển xuất khẩu trái cây bền vững và thu được giá trị cao hơn, đi sâu hơn nữa vào thị trường chiếm tới hơn 60% kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam.
Có thể nói, từ những bước đi khiêm tốn ban đầu, cả hệ thống Thương vụ đều đã và đang nỗ lực "bắc cầu" cho hàng hóa Việt Nam đi khắp thế giới, góp phần quan trọng vào việc thực thi hiệu quả các FTA, mở rộng các thị trường xuất khẩu, được định lượng bằng giá trị kim ngạch nhập khẩu cụ thể từng năm. Đó là một nhiệm vụ xuyên suốt, nằm lòng của hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, và cũng là trách nhiệm của những người làm công tác ngoại giao kinh tế đối với công cuộc hội nhập và phát triển đất nước.
Việt Thành