Tin tức
Các chính sách mới trong quý 2 năm 2022 tại khu vực châu Âu có ảnh hưởng tới Việt Nam
Cập nhật một số chính sách mới tại châu Âu ảnh hưởng tới hoạt động XNK của Việt Nam.
Khu vực EU27
Kế hoạch REPowerEU: Ủy ban châu Âu (EC) ngày 18/5/2022 công bố Kế hoạch “Hành động chung của châu Âu vì nguồn năng lượng có giá cả phù hợp, an toàn và bền vững hơn” (EU/REPowerEU) với trị giá khoảng 221 tỷ USD. Theo Kế hoạch, EU sẽ: (i) điều chỉnh cấu trúc nhu cầu năng lượng của EU, thay đổi từ phụ thuộc vào khí đốt, dầu mỏ, than đá sang năng lượng tái tạo và hydrogen xanh; (ii) đa dạng nguồn cung năng lượng thông qua việc thay thế hơn 50 tỷ m3 khí hóa lỏng LNG và 10 tỷ m3 khí đốt từ đường ống của Nga sang các nhà cung cấp khí đốt khác như Mỹ, Canada, Ai Cập, Israel v.v…; (iii) đẩy mạnh đầu tư vào các cơ sở hạ tầng LNG tại một số nước châu Phi; (iv) thúc đẩy vấn đề tiết kiệm năng lượng trong EU và đẩy nhanh việc triển khai sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo.
Kế hoạch REPowerEU thể hiện quyết tâm theo đuổi mục tiêu độc lập, tiến tới làm chủ hoàn toàn hệ thống năng lượng và giải quyết các lỗ hổng ngành năng lượng châu Âu trong bối cảnh thị trường dầu mỏ và khí đốt biến động mạnh. Cuộc chiến Nga – Ucraina chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, các mối đe dọa về an ninh nguồn cung đẩy giá năng lượng lên cao kỷ lục, làm trầm trọng thêm khủng hoảng năng lượng tại châu Âu. Kế hoạch về dài hạn sẽ thúc đẩy các nguồn lực đầu tư cho năng lượng tái tạo, thúc đẩy nhanh sự tái cấu trúc nguồn cung năng lượng toàn cầu. Các biện pháp loại bỏ sự phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu của Nga sẽ đẩy nhanh quá trình chuyển đổi cơ cấu năng lượng và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng tại các nước thành viên EU. Nhu cầu đảm bảo an ninh nguồn cung sẽ tạo thêm động lực mới cho các mục tiêu của Thỏa thuận Xanh EU. Làn sóng đẩy mạnh triển khai các dự án mới và tăng cường đầu tư công nghệ năng lượng tái tạo tại EU cũng sẽ nhanh chóng lan rộng toàn cầu.
Việt Nam cần theo dõi sát tình hình triển khai Kế hoạch REPowerEU để phục vụ xây dựng Quy hoạch tổng thể Năng lượng quốc gia 2021-2030, tầm nhìn 2050 và chiến lược phát triển các ngành năng lượng của Việt Nam; đồng thời có định hướng, kế hoạch phù hợp thúc đẩy hợp tác và các dự án hỗ trợ trong lĩnh vực năng lượng và chuyển đổi năng lượng bền vững với các nước đối tác EU, góp phần thực hiện hiệu quả các cam kết tại COP26.
Đạo luật Chips châu Âu mới: Ngày 07/2/2022, EC công bố Đạo luật Chips châu Âu mới nhằm giúp tăng cường năng lực sản xuất chất bán dẫn của Khối và giảm sự phụ thuộc vào Mỹ và châu Á trong bối cảnh thiếu hụt chip toàn cầu, đưa EU tiến tới tái lập vị trí dẫn đầu công nghệ. EU dự kiến sẽ nâng thị phần sản xuất chip điện tử của Khối từ mức 9% hiện nay lên 20% vào năm 2030.
Kế hoạch có một số định hướng đáng chú ý như sau: (1) thúc đẩy sáng kiến “Chip cho châu Âu”; (2) xây dựng khuôn khổ pháp lý mới nhằm thu hút đầu tư sản xuất chip; (3) thiết lập cơ chế phối hợp giữa EC và các nước thành viên; (4) Phát triển hệ sinh thái nội Khối về chip bán dẫn; (5) tăng cường hợp tác với các đối tác quốc tế trong sản xuất thiết bị bán dẫn.
Việc EU triển khai kế hoạch phát triển ngành bán dẫn trong thời điểm này một mặt cho thấy mức độ tác động sâu sắc của tình trạng thiếu hụt chip toàn cầu đối với sản xuất công nghiệp của Khối; mặt khác phản ánh nỗ lực cạnh tranh “chủ quyền số”, góp phần đảm bảo tự chủ chiến lược, tăng cường kiểm soát các ngành sản xuất công nghệ cao, hướng đến các mục tiêu chuyển đổi số và phát triển bền vững, góp phần duy trì vị thế tiềm lực của EU về công nghệ số.
Xu hướng cạnh tranh, đầu tư cho lĩnh vực công nghệ bán dẫn, trong đó có kế hoạch đầu tư phát triển chip bán dẫn của EU tác động tới kinh tế Việt Nam nói chung và ngành điện tử, bán dẫn nói riêng. Về thuận lợi: Việt Nam đang được xem là nguồn cung “mới nổi” ở châu Á (hiện đứng thứ 9 toàn cầu về xuất khẩu hàng điện tử với tổng kim ngạch xuất khẩu hàng điện tử bằng 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam), sự gia tăng về lượng cầu tiêu dùng sẽ tạo thuận lợi cho tăng trưởng sản xuất của các nhà bán dẫn trong nước, thu hút nguồn vốn FDI trong lĩnh vực bán dẫn. Về thách thức: cạnh tranh mạnh mẽ giữa các cường quốc công nghệ và xu hướng điều chỉnh chuỗi giá trị bán dẫn của EU có thể tác động tới vấn đề dịch chuyển dòng vốn đầu tư nước ngoài của các tập đoàn công nghệ, hướng tới những địa bàn có nhiều ưu đãi chính sách, vốn và yêu cầu về kiểm soát công nghệ, tiềm ẩn nguy cơ dịch chuyển vốn đầu tư ra khỏi Việt Nam. Ngoài ra, sự thiếu hụt chip toàn cầu và xu hướng cạnh trạnh, kiểm soát nguồn cung chip bán dẫn của các nước cũng tạo áp lực giá thành và hoạt động sản xuất công nghiệp Việt Nam và là thách thức dài hạn cho việc triển khai Chiến lược chuyển đổi số quốc gia.
Chính sách Nông nghiệp chung mới: Ngày 02/12/2021, EC đã chính thức thông qua Chính sách Nông nghiệp chung mới (CAP 2023-2027) với ngân sách 386,6 tỷ EUR (chiếm 1/3 ngân sách EU), dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2023. Việc ban hành Chính sách Nông nghiệp chung của châu Âu được cho là sẽ thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao cạnh tranh, hỗ trợ sinh kế cho người nông dân, cung cấp thực phẩm an toàn và bền vững, mang lại nhiều lợi ích hơn cho môi trường và khí hậu. Sau khi Thỏa thuận về CAP được thông qua, các quốc gia EU phải đệ trình chính sách CAP của từng nước; Ủy ban châu Âu có 6 tháng để xem xét, đánh giá và phê duyệt các chính sách này. Hiện mới có 23/27 nước đệ trình chính sách nông nghiệp riêng của mình lên EC.
Việc Chính sách CAP mới được thông qua sẽ đòi hỏi các tiêu chuẩn cao hơn, là rào cản lớn trong việc mở rộng mặt hàng, gia tăng thị phần xuất khẩu hàng hóa nông sản của các nước đang phát triển vào EU. Chính sách CAP mới cũng thể hiện quyết tâm của EU trong việc vực dậy nông nghiệp nội khối, làm giảm đầu tư ra bên ngoài, đặc biệt là định hướng đầu tư nông nghiệp chất lượng cao vào các nước đang phát triển.
Đối với Việt Nam, nông nghiệp được đánh giá là ngành có nhiều lợi thế, đặc biệt sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực. Tuy nhiên, thị phần của nông sản của Việt Nam sang thị trường EU chiếm thị phần còn rất khiêm tốn; các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu dưới dạng thô/sơ chế, cạnh tranh ở phân khúc thấp; trong khi việc tiếp cận thị trường châu Âu của hàng hóa nông sản Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế. Việc EU thông qua Chính sách Nông nghiệp chung mới đặt ra thêm thách thức cho nông sản Việt: (i) đối mặt với hàng rào bảo hộ nghiêm ngặt, làm gia tăng áp lực cạnh tranh đối với hàng hóa nông sản; (ii) đặt ra các yêu cầu mới không chỉ về quy trình sản xuất nông nghiệp, tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm, mà còn là các vấn đề liên quan đến khí hậu, môi trường, phát triển bền vững…để được nhập khẩu, lưu hành tại thị trường EU. Điều này tạo ra rào cản lớn cho nông sản Việt Nam trong việc tiếp cận, mở rộng xuất khẩu, thâm nhập sâu vào chuỗi giá trị tại EU.
Cập nhật một số quy định đáng lưu ý của EU liên quan đến tiếp cận thị trường
- Dự thảo Quy định của EU về an toàn chung của sản phẩm: Ngày 11/4/2022 EU đã gửi thông báo số G/TBT/N/EU/885 cho các nước thành viên WTO về Dự thảo Quy định của Nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu về an toàn chung của sản phẩm. Dự thảo mới được xây dựng dựa trên Chỉ thị 87/357/EEC & Chỉ thị 2001/95/EC về an toàn chung của sản phẩm tiêu dùng và yêu cầu các sản phẩm tiêu dùng được đưa vào hoặc lưu hành trên thị trường EU phải an toàn. Dự thảo đặt ra một loạt các nghĩa vụ rõ ràng hơn đối với chủ thể kinh tế (nhà sản xuất, nhà xuất khẩu, nhà nhập khẩu, nhà phân phối, nhà cung ứng dịch vụ,…) bao gồm việc chuẩn bị hồ sơ kỹ thuật và truy xuất trong chuỗi cung ứng. Dự thảo cũng quy định các nghĩa vụ cụ thể với thị trường trực tuyến, tăng cường quản lý thị trường, thu hồi sản phẩm, cũng như các dịch vụ về xây dựng tiêu chuẩn để hỗ trợ cho yêu cầu về an toàn chung.
Phạm vi điều chỉnh của Quy định được áp dụng chung đối với toàn bộ mặt hàng tiêu dùng (ngoài thực phẩm), không phân biệt sản phẩm được nhập khẩu từ bên ngoài EU hay sản xuất trong nội khối EU. Việc đặt ra các nghĩa vụ rõ ràng hơn đối với các nhà sản xuất, xuất nhập khẩu sẽ buộc các doanh nghiệp phải xây dựng, hoàn thiện quy trình, hệ thống sản xuất bài bản theo hướng công khai, minh bạch, đảm bảo truy xuất nguồn gốc từ khâu sản xuất, bao bì, nhãn dán, thương hiệu, phương thức liên hệ và phối hợp với các chủ thể khác trong chuỗi cung ứng sản phẩm. Đồng thời, cần chú trọng hơn đến việc đăng ký nhãn hiệu, đăng ký sở hữu trí tuệ…
- EU ban hành ngưỡng dư lượng thủy ngân mới trong thủy sản và muối: Ngày 12/4/2022, EC đã ban hành Quy định số 2022/617, thay thế quy định 1881/2006 về dư lượng tối đa của thủy ngân trong thủy sản và muối. Theo đó, dư lượng thủy ngân có trong thủy sản dao động từ 0,3 đến 1μg/kg, tùy loại sản phẩm. Dư lượng thủy ngân trong muối tối đa là 0, 1μg/kg. Đối với các sản phẩm đã có mặt trên thị trường, sản phẩm sẽ được tiêu thụ đến hết hạn sử dụng của sản phẩm. Quy định này có hiệu lực từ ngày 03 tháng 5 năm 2022.
- EU tăng cường kiểm tra mức dư lượng MRL: Ngày 13/5/2022, EU đã ban hành Quy định (EU) 2022/741 liên quan đến chương trình phối hợp kiểm soát nhiều năm của Liên minh trong năm 2023, 2024 và 2025 để đảm bảo các sản phẩm nhập khẩu vào EU tuân thủ mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tối đa và để đánh giá mức độ phơi nhiễm của người tiêu dùng đối với dư lượng thuốc trừ sâu trên và trong thực phẩm có nguồn gốc động vật, đồng thời bãi bỏ Quy định (EU) 2021/601. Theo đó, các quốc gia thành viên sẽ lấy và phân tích mẫu cho các tổ hợp thuốc trừ sâu được nêu trong phụ lục I của Quy định. Các sản phẩm có nguồn gốc từ thực vật và động vật sẽ được lấy mẫu ngẫu nhiên để kiểm tra là cam, táo, chuối, kiwi, bưởi, hành tây, cà rốt, bông cải xanh, cải bắp, đậu, ớt, gạo xát vỏ, mỡ gia cầm, sữa bò, trứng gà… Ngoài việc kiểm tra tại cửa khẩu đối với các lô hàng mới, cơ quan an toàn thực phẩm của các nước sẽ lấy mẫu kiểm tra trên thị trường với các lô hàng cũ. Nếu sản phẩm vi phạm dư lượng, doanh nghiệp nhập khẩu và phân phối bắt buộc phải thông tin việc thu hồi rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tiếp theo, các mặt hàng tương tự của doanh nghiệp nhập khẩu và phân phối sẽ bị kiểm tra tại kho và doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng này vào EU sẽ bị tăng tần suất kiểm tra tại cửa khẩu với các lô hàng tiếp theo.
- EU ngừng kiếm soát an toàn thực phẩm khẩn cấp đối với nhóm hàng bún, miến, phở, bánh đa của Việt Nam: Ngày 13/6/2022 EU đã đăng công báo Quy định (EU) 2022/913 ngày 30/5/2022 sửa đổi Quy định mới về việc tạm thời gia tăng các biện pháp kiểm soát chính thức một số hàng hóa nhập khẩu vào EU từ một số nước thứ ba (Quy định (EU) 2021/2246). Quy định này có hiệu lực từ 03/7/2022; theo đó, EU đã chính thức đưa các mặt hàng bún, miến, phở ra khỏi danh mục kiểm soát thực phẩm xuất khẩu vào EU. EU tiếp tục duy trì việc yêu cầu bổ sung Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm với các lô hàng mỳ ăn liền có nguồn gốc từ Việt Nam trong thành phần có chứa gia vị và một số nguyên liệu, phụ gia khác. Các nhóm rau gia vị vẫn bị duy trì tần suất kiểm tra tại biên giới EU là 50%.
Các nước EAEU
Trong bối cảnh chiến sự diễn ra giữa Nga và Ucraina, vào ngày 9/3/2022, Chính phủ Nga đã công bố danh sách hàng hóa và thiết bị tạm thời bị cấm xuất khẩu khỏi nước này theo các Quyết định số 311, 312 và 313. Quyết định được thông qua theo Nghị định của Tổng thống “Về việc áp dụng các biện pháp kinh tế đặc biệt trong lĩnh vực hoạt động kinh tế đối ngoại vì mục đích đảm bảo an ninh của Liên bang Nga” và sẽ có hiệu lực đến cuối năm 2022.
Danh sách bao gồm các mặt hàng thuộc các lĩnh vực công nghệ, viễn thông, thiết bị y tế, phương tiện đi lại, máy móc nông nghiệp, thiết bị điện - tổng cộng hơn 200 mặt hàng, bao gồm toa xe lửa và đầu máy, container, tuabin, máy gia công kim loại và đá, màn hình, máy chiếu, bảng điều khiển và bảng điều khiển. Ngoài ra, một số loại gỗ cũng bị tạm thời hạn chế xuất khẩu. Chính phủ Nga cho rằng biện pháp này là cần thiết để đảm bảo sự ổn định trên thị trường Nga.
Việc xuất khẩu những mặt hàng này tạm thời bị hạn chế đối với tất cả các nước ngoài, ngoại trừ các quốc gia thành viên của Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU), Abkhazia và Nam Ossetia. Các biện pháp này cũng không áp dụng đối với hàng hóa do công dân vận chuyển để sử dụng cho mục đích cá nhân.
Ngoài ra, Hội đồng Ủy ban kinh tế Á – Âu cũng ban hành Quyết định số 37 ngày 17/3/2022 về việc miễn thuế nhập khẩu cho đến ngày 30 tháng 9 năm 2022 đối với các sản phẩm như thực phẩm và hàng hóa được sử dụng trong việc sản xuất các sản phẩm thực phẩm; hàng hóa để sản xuất dược phẩm, luyện kim và các sản phẩm điện tử; hàng hóa được sử dụng cho sự phát triển của công nghệ kỹ thuật số; hàng hóa để sản xuất các sản phẩm công nghiệp nhẹ, cũng như hàng hóa sử dụng trong ngành xây dựng và vận tải. Quyết định này được đưa ra nhằm tăng tính bền vững của nền kinh tế các quốc gia thành viên Liên minh Kinh tế Á-Âu.
Anh
Chính phủ Anh chủ động thực hiện chiến lược thương mại “Global Britain” nhằm thúc đẩy xuất khẩu. Anh cũng sẵn sàng mở cửa thị trường nội địa theo phương thức “có đi có lại” với các đối tác nước ngoài thông qua các FTAs. Thúc đẩy đàm phán FTAs với 19 quốc gia hoặc Liên minh các quốc gia trong đó tập trung ưu tiên các đối tác thương mại lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ đồng thời chủ trương kế thừa toàn bộ các FTAs của EU đang có hiệu lực trên cơ sở đồng thuận với bên ký kết của các FTAs này trong đó có EVFTA;
Quyết tâm gia nhập CPTPP đồng nghĩa với việc Anh sẵn sàng mở của thị trường cho nhiều sản phẩm của 11 nước thành viên tham gia Hiệp định này để đổi lấy quyền tiếp cận thị trường ưu đãi cho các sản phẩm xuất khẩu của các doanh nghiệp Anh. Khi đó, nhiều sản phẩm Việt Nam tại thị trường Anh sẽ phải cạnh tranh với các đối thủ mạnh đến từ các nước CPTPP.
Ngoài CPTPP, hiện nay Anh đang đàm phán thêm các Hiệp định thương mại tư do (TMTD) mới bao gồm:
- Hiệp định TMTD với Hoa Kỳ: Đàm phán bắt đầu từ năm 2020, tuy nhiên qua trình đàm phán vẫn diễn ra và dự kiến sẽ không thể hoàn thành sớm.
- Hiệp định TMTD với Ấn Độ: Đã bắt đầu đàm phán từ 17 tháng 1 năm 2022.
- Hiệp định TMTD với Canada: Hiện nay Anh đã có Hiệp định TMTD với Canada giống với Hiệp định mà Canada đã ký với EU. Hiệp định mới được đưa vào đàm phán vào tháng 3 năm 2022.
- Các Hiệp định TMTD mà Anh dự kiến đàm phán bao gồm các nước và vùng lãnh thổ: Mexico; Các nước Ả Rập Vùng Vịnh ( GCC - bao gồm 6 nước: Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Ả Rập Xê Út và UAE); Israel và Thụy Sỹ.
Nguồn: Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ