8 giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực theo EVFTA
Với tư cách là cơ quan đầu mối tiếp nhận và điều phối hỗ trợ kỹ thuật thực hiện các Hiệp định FTA trong đó có EVFTA, thời gian qua, Bộ Công Thương đã rất nỗ lực trong việc phối hợp với các bộ ngành, địa phương doanh nghiệp nhằm tìm kiếm các giải pháp nâng cao cạnh tranh, phát triển nguồn nhân lực.
Trên cơ sở tình hình triển khai các hoạt động hỗ trợ và nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng chính sách và cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực, khu vực trong phạm vi quản lý, Bộ Công Thương đề xuất các nhóm giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực để tận dụng hiệu quả EVFTA như sau:
Thứ nhất, cần xây dựng các chương trình hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các ngành hàng, doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ; hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng khu vực, toàn cầu.
Theo đó, về phía Bộ, ngành: căn cứ vào báo cáo đã triển khai được 32 chương trình hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các ngành hàng, doanh nghiệp, cụ thể là Bộ kế hoạch và Đầu tư (13), Ngân hàng Nhà nước (8), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (5), Bộ Giao thông vận tải (3) và Bộ Tài chính (2). Trong đó, đáng chú ý, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 167 ngày 8 tháng 02 năm 2022 phê duyệt Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022-2025...
Về phía các tỉnh, thành phố, căn cứ vào báo cáo, các tỉnh thành phố đã triển khai được 209 chương trình hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các ngành, hàng, doanh nghiệp. Đáng chú ý, các chương trình như hỗ trợ tài chính với các chương trình bình ổn thị trường, chương trình cho vay đối với các doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp (TP HCM), hỗ trợ xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp (Quảng Ngãi), xây dựng chuỗi cung ứng xuất khẩu thịt gà sang Nhật Bản (Đồng Nai), xây dựng chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm (Lạng Sơn, Quảng Nam), xây dựng và thực thi kế hoạch phát triển thương mại điện tử để hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại, đầu tư trực tuyến (Bình Dương, Đà Nẵng, TP HCM), tăng cường tổ chức rộng rãi các hoạt động hội chợ giới thiệu hàng Việt Nam (Đồng Nai, Hà Nội, Long An, Phú Thọ), đẩy mạnh chương trình kết nối doanh nghiệp và ngân hàng để ưu tiên vốn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (Hải Dương, Hải Phòng), khuyến khích tham gia các chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn (Cần Thơ).
Thứ hai, đẩy mạnh việc dạy nghề và gắn kết đào tạo với doanh nghiệp; ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất kinh doanh. Theo đó, cần tăng cường đào tạo nhân lực có tay nghề, nhất là nhân lực chất lượng cao theo hướng ứng dụng, thực hành, thực tập; bảo đảm đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng cho thị trường lao động, đặc biệt nhu cầu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các khu vực kinh tế trọng điểm. Đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp trong giáo dục nghề nghiệp, tăng cường hoạt động đào tạo nghề nghiệp cho lao động trong doanh nghiệp nhỏ và vừa. Triển khai hợp tác với doanh nghiệp theo các hình thức, xây dựng chương trình đào tạo và các khóa học được phát triển giữa các nhà trường và doanh nghiệp, khuyến khích và phát triển các chính sách để bên liên quan cùng đồng hành thực hiện các chương trình thực hành, thực tập tại doanh nghiệp. Hoạt động này được thực hiện chủ yếu ở cấp địa phương và chủ yếu lồng ghép với các chương trình đào tạo dạy nghề chung. Đáng lưu ý là một số địa phương có các hoạt động nổi bật như xây dựng chương trình đào tại nghề trực tuyến (Bình Dương), tăng cường công tác phối hợp trong giáo dục nghề nghiệp giữa Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp (Quảng Ninh)...
Thứ ba, xây dựng và hoàn thiện các biện pháp kỹ thuật: về phía các bộ, ngành, căn cứ vào báo cáo, vấn đề này chưa thể hiện được rõ ràng nên chưa có thông tin để đánh giá.
Thứ tư, tăng cường sử dụng hệ thống cảnh báo sớm trong lĩnh vực phòng vệ thương mại; chủ động xây dựng các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp với các quy định và cam kết quốc tế; xây dựng và củng cố cơ chế liên ngành, địa phương trong các vụ việc phòng vệ thương mại; hỗ trợ các doanh nghiệp Việt ứng phó với các vụ điều tra phòng vệ thương mại.
Thứ năm, tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, triển khai các biện pháp cải thiện, nâng cao năng suất lao động và các ngành sản xuất. Đáng chú ý, Thành phố Hồ Chí Minh triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua các chương trình hỗ trợ trực tiếp công cụ quản trị, nâng cao năng suất; Thái Nguyên cấp kinh phí hỗ trợ các doanh nghiệp trong tỉnh chủ trì, thực thi các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học với kết quả tích cực như mô hình nuôi ngọc trai lấy ngọc, trồng cây sâm Bố Chính. Phú Yên hỗ trợ các doanh nghiệp dệt may về máy móc tiên tiến; Ninh Bình hỗ trợ các doanh nghiệp chuẩn hóa các sản phẩm OCOP, thúc đẩy việc nghiên cứu và chuyển giao công nghệ cho nông dân, Hà Tĩnh triển khai các doanh nghiệp hỗ trợ doanh nghiệp và và nhỏ đổi mới công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ, xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng cho sản phẩm hàng hóa.
Thứ sáu, tăng cường các biện pháp, cơ chế khuyến khích, định hướng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài kết nối với doanh nghiệp nội địa, góp phần vào việc hình thành chuỗi cung ứng. Cụ thể, Thành phố Hồ Chí Minh triển khai một số hoạt động kết nối giữa doanh nghiệp trong thành phố với các doanh nghiệp nước ngoài. Bà Rịa Vũng Tàu đã giới thiệu kết nối Hiệp hội doanh nghiệp trong tỉnh với các doanh nghiệp Tây Úc. Hà Nội tổ chức kết nối doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp Italy.
Thứ bảy, chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong các ngành kỹ thuật - công nghệ, luật, tài chính...
Thứ tám, tiến hành đánh giá định lượng những tác động của Hiệp định EVFTA đối với các ngành sản xuất, cung cấp dịch vụ để từ đó đề xuất các biện pháp cụ thể.
Thái Sơn