Xanh hóa chuỗi sản xuất đặt ra thách thức không nhỏ cho doanh nghiệp Việt
Dù còn nhiều khó khăn nhưng để lấy lại đà tăng trưởng, việc chuyển đổi xanh, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn là xu hướng phát triển tất yếu hiện nay.
Ghi nhận những tín hiệu khả quan
Ngày 6/6, trong khuôn khổ chuỗi sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế 2024” (Viet Nam International Sourcing 2024), Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công thương) tổ chức hội thảo quốc tế với chủ đề “Thúc đẩy đà phục hồi xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm - Cơ hội đưa hàng thời trang, nội thất và gia dụng Việt Nam vào hệ thống phân phối quốc tế”.
Theo số liệu của Tổng Cục hải quan, kim ngạch xuất khẩu với nhóm ngành thời trang và nội thất của TP.HCM trong 5 tháng đầu năm ở mức khá cao, đạt 18,5 tỷ USD và tăng 45% so với cùng kỳ năm 2023.
Riêng nhóm ngành dệt may đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1,2 tỷ USD, tăng 40%; kim ngạch xuất khẩu nhóm ngành gỗ và sản phẩm gỗ đạt hơn 175,6 triệu USD, tăng hơn 80% so với cùng kỳ năm 2023.
Đối với ngành gia dụng, kim ngạch xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2024 của TP.HCM đối với nhóm ngành máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 5,4 tỷ USD tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023; nhóm ngành túi xách, ví, vali, mũ và ô dù đạt gần 142 triệu USD tăng 47% so với cùng kỳ 2023.
Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ, Bộ Công thương cho rằng, về tổng thể, kim ngạch xuất khẩu nhóm mặt hàng thời trang, nội thất và đồ gia dụng đang ghi nhận mức tăng trưởng đầy ấn tượng trong những năm qua.
Mặc dù chịu những khó khăn chưa từng có tiền lệ hậu Covid-19 khiến kim ngạch xuất khẩu sụt giảm. Thế nhưng, kể từ đầu năm 2024, nhóm ngành hàng này đã đón nhận sự khởi đầu khá tích cực khi nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm dần phục hồi, qua đó báo hiệu triển vọng khả quan trong thời gian tới.
Thị trường ngày càng khắt khe
Tuy nhiên, hiện nhiều khó khăn nội tại và những quy định ngày càng khắt khe từ thị trường xuất khẩu, liên quan đến xanh hóa chuỗi sản xuất và cung ứng, các tiêu chí phát triển bền vững, sản xuất tuần hoàn... đặt ra thách thức không nhỏ cho doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam trong duy trì đà tăng trưởng ổn định và tìm kiếm các cơ hội thâm nhập sâu hơn, đa dạng hơn vào các hệ thống phân phối lớn toàn cầu.
Đơn cử như trong ngành dệt may, da giày, các doanh nghiệp xuất khẩu cần phải vượt qua hàng loạt các “hàng rào xanh” khi tiếp cận các thị trường phát triển, đặc biệt là khối EU. Mới đây nhất, chỉ thị Thẩm định Tính bền vững của Doanh nghiệp (CS3D) đã được Nghị viện châu Âu bỏ phiếu thông qua và dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.
Còn đối với ngành hàng nội thất, đồ gỗ, đồ gia dụng, các đạo luật sửa đổi và mới được ban hành tại Hoa Kỳ, EU, đặt ra yêu cầu cao hơn về truy xuất nguồn gốc gỗ, chứng nhận an toàn, báo cáo của doanh nghiệp, cũng như quy định về chế độ quản lý rừng, sử dụng hóa chất… cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.
Theo ông Trần Phú Lữ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM, với những đặc điểm của thị trường trong giai đoạn tới, các doanh nghiệp ngành thời trang, nội thất và gia dụng cần xây dựng một số phương án để ứng phó, linh hoạt trong sản xuất, bám sát thị trường… để có những dự báo, xây dựng phương án cho sản xuất trong chuyển đổi mặt hàng theo nhu cầu của thị trường, nhất là các thị trường mới tiềm năng.
Trước những thách thức, đòi hỏi các doanh nghiệp thời trang, nội thất, gia dụng cần định hình lại quy trình sản xuất và đầu tư vào công nghệ xanh để tối ưu hóa quy trình sản xuất và giảm thiểu lượng chất thải.
Ngoài ra, việc xây dựng một chuỗi cung ứng bền vững cũng đóng vai trò quan trọng. Các doanh nghiệp cần hợp tác chặt chẽ với các nhà cung ứng để đảm bảo rằng nguyên liệu và sản phẩm được sản xuất và vận chuyển một cách bền vững và hiệu quả.
Chuyển đổi xanh là xu thế tất yếu
Ông Trần Như Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam thông tin, tình hình đơn hàng đã có những tín hiệu tốt hơn, hầu hết doanh nghiệp trong ngành đều có đơn hàng quay trở lại. Tuy nhiên, giá bán ra vẫn là điều mà doanh nghiệp Việt đang chịu rất nhiều áp lực khi giá thành đầu vào, vận chuyển, nhiên liệu… đều không có xu hướng giảm.
Trong khi đó, nhiều người mua hiện đặt hàng theo cách thông minh hơn thông qua việc so sánh giá với các quốc gia khác, đặc biệt là Bangladesh. Tuy nhiên, điều mà Bangladesh hiện làm tốt hơn Việt Nam là chi phí lao động. Tại quốc gia này, lương tối thiếu của người lao động chỉ 80 – 90 USD/tháng, trong khi lao động Việt Nam là hơn 200 USD/tháng.
“Ngoài ra, hiện Bangladesh có dân số lên đến 170 triệu dân nhưng diện tích chỉ bằng phân nửa so với Việt Nam. Vì vậy, khi các đối tác dùng chi phí tại Bangladesh để đặt hàng tại Việt Nam thì sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp Việt”, ông Trần Như Tùng chia sẻ.
Ngoài ra, theo ông Tùng, trong 12 tiêu chí của các nhãn hàng quốc tế so sánh giữa các nước có tỷ lệ xuất khẩu dệt may lớn là Trung Quốc, Bangladesh, Việt Nam. Hiện Bangladesh chỉ hơn Việt Nam 2 tiêu chí, gồm: Chi phí lao động thấp và chính sách thuế tốt hơn.
Ông Tùng nhận định: “Trong tương lai Bangladesh sẽ không còn là đối thủ cạnh tranh của Việt Nam, bởi nếu căn cứ vào tiêu chí giá thì chưa đủ. Gần đây, Bangladesh đã xuất hiện tình trạng người lao động đình công để yêu cầu chính phủ tăng lương tối thiểu. Những điều này sẽ làm khó khăn cho Bangladesh trong thời gian tới. Ngoài ra, Bangladesh là quốc gia không có cảng biển nước sâu như Việt Nam. Đó là điểm bất lợi cho quốc gia này.”
Ngoài ra, trong năm 2024 – 2025, doanh nghiệp Việt đang gặp áp lực về phát triển xanh. Hiện nay, tất cả các khách hàng, đặc biệt là châu Âu đã ban hành nhiều chính sách siết chặt hoạt động sản xuất xanh và doanh nghiệp phải đáp ứng các tiêu chí này thì mới nhận được đơn đặt hàng.
“Trong đó, nhiều nhà nhập khẩu yêu cầu doanh nghiệp phải sử dụng năng lượng sạch hoàn toàn, có nghĩa doanh nghiệp phải sử dụng năng lượng mặt trời 100%. Việc này gây ra rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp khi nguồn năng lượng sạch không đủ sử dụng. Những tiêu chí về sản xuất xanh hiện nay gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp”, ông Trần Như Tùng chia sẻ.
Tuy nhiên, đây là con đường bắt buộc ngành dệt may phải đi. Nếu doanh nghiệp thực hiện càng sớm thì cơ hội đơn hàng sẽ đến sớm hơn.
Theo ông Tùng, Trung Quốc là một ví dụ điển hình để doanh ngành dệt may Việt Nam cải thiện tình trạng đơn hàng. Qua đó, trong thời gian tới, doanh nghiệp Việt phải tạo ra những sản phẩm với giá trị cao hơn. Vì vậy, việc đầu tư máy móc thiết bị để tăng năng suất, chuyển đổi số, xanh hóa chuỗi sản xuất và đẩy mạnh mở rộng thị trường từ bài học nhu cầu tiêu dùng sụt giảm trong thời gian qua… là điều cấp thiết hiện nay để gia tăng tính cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.
Việt Thành