Tin tức
Với EVFTA, hàng dệt may Việt Nam sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn
Ngay khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực thì 42,5% dòng sản phẩm hàng dệt may và 37% các dòng thuế về da giày sẽ hưởng thuế nhập khẩu về 0% ngay lập tức.
Ngay khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực thì 42,5% dòng sản phẩm hàng dệt may và 37% các dòng thuế về da giày sẽ hưởng thuế nhập khẩu về 0% ngay lập tức.
Đây là các nhóm ngành hàng được đánh giá sẽ hưởng lợi nhiều bậc nhất từ EVFTA, thế nhưng lại làm dấy lên lo ngại về sức bật phát triển không như kỳ vọng do ảnh hưởng của Covid-19 cũng như những khó khăn khi phải bảo đảm phải đáp ứng đủ và đúng yêu cầu của Hiệp định về quy tắc xuất xứ đối với hàng hóa.
Mặc dù một số nước khác có lợi thế về ưu đãi EBA, GSP+, nhưng với EVFTA, Việt Nam có nhiều thế mạnh hơn hẳn. Bởi số quốc gia có hiệp định với EU rất ít, ở khu vực châu Á, EU chỉ ký hiệp định hợp tác thương mại tự do với Hàn Quốc, Singapore. Tuy nhiên, hai nước này lại không có cơ cấu sản xuất giống như Việt Nam. Do vậy, về lâu dài, hiệp định sẽ tạo ra lợi thế ổn định cho xuất khẩu của Việt Nam.
Với EVFTA, hàng dệt may Việt Nam sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn hàng của Trung Quốc và cạnh tranh ngang bằng về giá với các nước hiện đang được hưởng thuế suất 0% như Campuchia, Bangladesh... Thế nhưng Việt Nam có lợi thế hơn các nước này về tay nghề cao, chất lượng bảo đảm. Thêm nữa, sau khi EVFTA có hiệu lực, hàng dệt may đang được hưởng Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập GSP sẽ tiếp tục được hưởng hết 2 năm sau khi EVFTA có hiệu lực.
Cũng được hưởng thuế suất 0% ngay khi EVFTA có hiệu lực là các sản phẩm giày thể thao, giày vải và giày cao su, đây là những mặt hàng thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam. Theo quy định, sản phẩm giày dép được sử dụng nguyên liệu không xuất xứ từ bên ngoài hiệp định, ngoại trừ các bộ phận lắp ghép từ mũi giày và đế giày. Tiêu chí xuất xứ này được xem là chặt hơn so với một số các FTA khác nhưng không phải là tiêu chí mới đối với ngành da giày, do trước đó các doanh nghiệp da giày đã xuất khẩu sang EU với tiêu chí tương tự trong GSP.
Vì vậy, về tổng thể, EVFTA sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh lớn trong ngắn hạn và trung hạn cho Việt Nam so với các nước ASEAN tại thị trường EU. Với vị thế là quốc gia thứ 2 tại ASEAN có FTA với EU, các doanh nghiệp Việt có thể tận dụng lợi thế này để thâm nhập thị trường, xây dựng thương hiệu cho hàng hóa Việt Nam tại thị trường EU. Ở khía cạnh khác, tiếp cận thị trường EU cũng là bước đệm để hàng hóa của Việt Nam tiếp cận các thị trường phát triển khác, ông Trần Thanh Hải cho biết thêm.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, về chất lượng, tiêu chuẩn, hàng dệt may không đáng lo vì nhiều năm nay dệt may đã chinh phục được thị trường châu Âu, mà khó khăn lớn nhất đối với dệt may lúc này là vấn đề xuất xứ.
Cũng như dệt may, da giày còn vướng mắc với sản phẩm giày da. Vì thuộc da là một trong những ngành ô nhiễm giống như dệt may. Da thuộc trong ngành da giày cũng tương đồng với yêu cầu xuất xứ của vải trong ngành dệt nhuộm. Mặt khác, nhiều quy định đến nay đã có thay đổi, do vậy, Bộ Công thương cần phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục tổ chức tập huấn, hướng dẫn cụ thể để các doanh nghiệp có thể tận dụng hết cơ hội do EVFTA mang lại.