Doanh nghiệp 360

Tình hình kinh tế, xã hội khu vực châu Âu

18.09.2022

Xung đột Nga - Ucraina chưa có dấu hiệu lắng dịu, tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến sự phục hồi kinh tế toàn cầu nói chung và kinh tế EU nói riêng. Các số liệu kinh tế công bố mới nhất cho thấy kinh tế EU tiếp tục gặp khó khăn khi lạm phát tăng lên mức cao kỷ lục, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa có xu hướng chậm lại.

Các nước EU 27

Xung đột Nga - Ucraina chưa có dấu hiệu lắng dịu, tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến sự phục hồi kinh tế toàn cầu nói chung và kinh tế EU nói riêng. Các số liệu kinh tế công bố mới nhất cho thấy kinh tế EU tiếp tục gặp khó khăn khi lạm phát tăng lên mức cao kỷ lục, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa có xu hướng chậm lại.

Tăng trưởng GDP: Theo Dự báo Kinh tế mùa hè 2022 (14/7/2022), nền kinh tế EU sẽ tăng trưởng 2,7% vào năm 2022 và 1,5% vào năm 2023. Lạm phát trung bình hàng năm của EU dự kiến đạt mức cao nhất trong lịch sử vào năm 2022 ở mức 8,3%, trước khi giảm xuống mức 4,6% vào năm 2023. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng tiếp tục điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Eurozone trong năm nay từ 3,7% xuống còn 2,8%, đồng thời nâng dự báo lạm phát lên 6,8% từ mức 5,1%.

Tỷ lệ lạm phát: Tình trạng lạm phát tiếp tục diễn ra rộng khắp EU. Theo Eurostat, tháng 6/2022, tỷ lệ lạm phát của EU tăng lên mức 9,6%, cao hơn mức 8,8% vào tháng 5/2022 và mức 2,2% tháng 6/2021. Tỷ lệ lạm phát thấp nhất là tại Malta (6,1%), Pháp (6,5%) và Phần Lan (8,1%). Tỷ lệ lạm phát cao nhất là tại Estonia (22,0%), Litva (20,5%) và Latvia (19,2%). Tháng 6/2022, đóng góp cao nhất vào tỷ lệ lạm phát của Khu vực đồng Euro đến từ năng lượng, tiếp theo là thực phẩm, rượu & thuốc lá và hàng hóa phi năng lượng.

Sản xuất công nghiệp: Theo Eurostat, tháng 5/2022, sản xuất công nghiệp được điều chỉnh theo mùa của EU tăng 0,6% so với tháng 4/2022 và tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước.

Thương mại bán lẻ: Theo Eurostat, tháng 5/2022, tổng thương mại bán lẻ tại khu vực EU ổn định so với tháng 4/2022 và tăng 0,8% so với tháng 5/2021; trong đó, thương mại bán lẻ tăng 6,8% đối với nhiên liệu ô tô và 2,0% đối với các sản phẩm phi thực phẩm, ngược lại nhóm thực phẩm, đồ uống & thuốc lá giảm 2,6%.

Tỷ lệ thất nghiệp: Theo Eurostat, tỷ lệ thất nghiệp của EU trong tháng 5/2022 ổn định ở mức 6,1% so với tháng 4/2022, nhưng thấp hơn so với mức 7,3% tháng 4/2022.

Thương mại của EU và thị phần của Việt Nam: Tổng kim ngạch thương mại hàng hóa nội và ngoại khối của EU trong 5 tháng năm 2022 đạt 5.517,7 tỷ EUR, tăng 22,09% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, kim ngạch xuất nhập khẩu với thị trường ngoại khối đạt 2.187,6 tỷ EUR, tăng 19,75% so với cùng kỳ năm 2021.

+ Xuất khẩu: Kim ngạch xuất khẩu hàng hoá nội và ngoại khối của EU trong 5 tháng năm 2022 đạt 2.699,8 tỷ EUR, tăng 21,39% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu sang các thị trường ngoại khối đạt 1.012,5 tỷ EUR, tăng 17,62% so với cùng kỳ năm 2021. Các thị trường xuất khẩu ngoại khối chính của EU trong 5 tháng đầu năm 2022 và thị phần tương đương gồm: Hoa Kỳ (20,05%), Anh (13,02%), Trung Quốc (9,16%), Thụy Sỹ (7,35%) và Thổ Nhĩ Kỳ (3,75%). EU xuất khẩu sang Việt Nam 5,3 tỷ EUR, tăng 20,28% so với cùng kỳ năm 2021. Tỷ trọng xuất khẩu của EU sang Việt Nam trong tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường ngoại khối trong 5 tháng đầu năm 2022 chiếm 0,52%; trong khi các quốc gia ASEAN khác là: Singapore (1,23%), Thái Lan (0,60%), Malaysia (0,54%), v.v…

+ Nhập khẩu: Kim ngạch nhập khẩu hàng hoá nội và ngoại khối của EU trong 5 tháng đầu năm 2022 đạt 2.818 tỷ EUR, tăng 22,77% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó nhập khẩu từ các thị trường ngoại khối đạt 1.175,1 tỷ EUR, tăng 21,64% so với cùng kỳ năm 2021. EU nhập khẩu hàng hoá chủ yếu từ các thị trường: Trung Quốc (21,09%), Hoa Kỳ (11,45%), Nga (8,65%), Anh (7,35%), Thuỵ Sỹ (5,19%). EU nhập khẩu 19,4 tỷ EUR hàng hóa từ Việt nam, tăng 26,75% so với cùng kỳ năm 2021. Thị phần hàng hóa của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của EU từ thị trường ngoại khối 5 tháng đầu năm 2022 chiếm 1,65%, cao hơn các nước ASEAN như Malaysia chiếm 1,16%, Thái Lan chiếm 0,90%, Indonesia chiếm 0,75%, Singapore chiếm 0,72%. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đang đứng ở vị trí nhà cung ứng hàng hóa ngoại khối lớn thứ 12 cho EU.

Các nước EAEU

Theo báo cáo của Ủy ban Kinh tế Á-Âu (EEC), trong 5 tháng đầu năm 2022, tình hình kinh tế các nước trong khối EAEU khá ổn định khi một loạt các chỉ số kinh tế vẫn giữ mức tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm 2021 như: sản xuất công nghiệp tăng 2,6%, sản xuất nông nghiệp tăng 1,7%. Chỉ số giá tiêu dùng cũng có mức tăng mạnh: ở nhóm hàng thực phẩm (tăng 15,9%), các nhóm hàng khác (tăng 14,6%) và dịch vụ (tăng 8,4%). Tuy nhiên, tổng giá trị bán lẻ hàng hóa ghi nhận mức giảm 1,5% trong 5 tháng đầu năm 2022.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của toàn khối trong 3 tháng đầu năm 2022 đạt 471,8 tỉ USD, tương ứng 103,6% so với cùng kỳ năm ngoái (tăng 3,6%). Trong đó, GDP của Nga tăng 3,5%, Kazakhstan tăng 4,6%, Armenia 8,6%, Kyrgyzstan 4,5%. Duy nhất có GDP của Belarus giảm nhẹ 0,4% trong thời gian này.

Tỷ lệ thất nghiệp của Liên minh trong 5 tháng đầu năm 2022 lên tới hơn 1 triệu người, chiếm 1,1% lượng nhân công; giảm đáng kể 41,1% so với cùng kỳ năm 2021 (chiếm 1,9% lượng nhân công). Mức sụt giảm này chủ yếu đến từ chỉ số của Liên bang Nga với con số 681 nghìn người thất nghiệp (chiếm 0,9% năm 2022 và 1,8% năm 2021).

Đối với LB Nga - thành viên chủ chốt của khối, sau khi Mỹ và đồng minh áp đặt các hạn chế, trừng phạt, Chính phủ Nga đã thông qua Kế hoạch các hành động ưu tiên nhằm đảm bảo phát triển kinh tế Nga dưới áp lực trừng phạt từ bên ngoài. Quyết định này sẽ giúp tạo thuận lợi cho họat động kinh tế (giảm đáng kể việc kiểm tra giám sát, hoãn thực hiện các yêu cầu bắt buộc, tự động gia hạn giấy phép, đơn giản hóa thủ tục về chứng nhận phù hợp); dỡ bỏ nhiều rào cản đối với nhập khẩu (đưa thuế nhập khẩu về 0% đối với hơn 1000 mặt hàng, cho phép nhập khẩu song song, chấp nhận bản sao chứng từ khi làm thủ tục, bỏ kiểm soát thú y và kiểm dịch thực vật...); đơn giản hóa các quy định về sử dụng ngân sách nhà nước, gồm quy định về mua sắm công (tăng số tiền tạm ứng, thay đổi các điều khoản hợp đồng theo hướng tạo điều kiện…); triển khai các chương trình hỗ trợ nông nghiệp, công nghiệp, giao thông, công nghệ thông tin... Ngoài ra, Kế hoạch cũng bao gồm việc thúc đẩy giải ngân trong khuôn khổ các chương trình cho vay ưu đãi và hoãn đóng phí bảo hiểm cho nhiều lĩnh vực, v.v. Tổng gói hỗ trợ lên đến 8000 tỷ rúp (khoảng 120 tỷ USD).

Nhờ các biện pháp trên, Nga đã ổn định được thị trường tài chính từ đó dần ổn định nền kinh tế. Theo báo cáo mới nhất của Bộ Phát triển kinh tế Nga, trong tháng 4/2022 GDP của Nga giảm 3% so cùng kỳ, sản xuất công nghiệp giảm 1,6%, nông nghiệp tăng 2,2%, bán lẻ giảm 9,7%, vận tải hàng hóa giảm 5,9%, tỷ lệ thất nghiệp 4% (mức thấp nhất trong lịch sử). Tính chung trong 4 tháng đầu năm 2022, GDP tăng 1,7%, công nghiệp tăng 3,9%, nông nghiệp tăng 2,3%, xây dựng tăng 5,6%, đầu tư cơ bản tăng 12,8%, thất nghiệp 4,2%). Giá dầu Urals bình quân 5 tháng đạt 83,5 USD/thùng (5 tháng 2021 là 61,6 USD/thùng). Tỷ giá USD bình quân tháng 3 là 103,5 rúp/USD, tháng 4 là 77,9 rúp/USD và tháng 5 là 63,3 rúp/USD. Lạm phát của Nga trong tháng 5 tăng 0,13%, tuy nhiên đã giảm mạnh so với mức tăng 7,61% trong tháng 3 và 1,56% trong tháng 4. Dự báo lạm phát năm 2022 của Nga sẽ ở mức khoảng 17%.

Nhờ sự ổn định trong các lĩnh vực trên, Ngân hàng Trung ương Nga bắt đầu dần dần nới lỏng các hạn chế được áp đặt trước đây đối với các giao dịch ngoại tệ và đã hạ lãi suất cơ bản xuống 11% vào ngày 25/5/2022 (dự kiến có thể sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới) và nới yêu cầu bán ngoại tệ thu được từ xuất khẩu từ 80% xuống 50%.

Trong 4 tháng đầu năm chi ngân sách nhà nước của Nga tăng 14,6% so cùng kỳ (khoảng 25 tỷ USD), thu ngân sách tăng 28,3% (khoảng 51 tỷ USD), trong đó thu từ dầu khí tăng 90,6% (28 tỷ USD). Thặng dư ngân sách khoảng 35,3 tỷ USD (cùng kỳ năm 2021 thặng dư 9,8 tỷ USD).

Anh

Theo báo cáo mới nhất của Cơ quan Thống kê quốc gia của Anh, tốc độ tăng trưởng GDP của Anh trong quý I/2022 so với quý IV/2021 đạt 0,8%, thấp hơn 0,5 điểm % so với tốc độ tăng trưởng GDP quý trước.

  Về lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Anh tăng liên tục, từ mức 0,9% vào tháng 1 năm 2021 lên mức 4,9% vào tháng 1 năm 2022 và đạt đỉnh 8,2% vào tháng 6 năm 2022. Đây là mức cao nhất trong ba thập kỷ qua và gần đạt mức kỷ lục năm 1990 (9,2%). Khoảng một nửa đóng góp vào lạm phát chính là do giá nhiên liệu, thực phẩm và điện. Trong vài tháng tới cuộc chiến ở Ukraine sẽ làm tăng thêm áp lực lạm phát. Giá năng lượng toàn cầu cao hơn sẽ ảnh hưởng đến giá nội địa cao hơn trong suốt năm 2022, với lạm phát CPI hiện được dự báo sẽ đạt đỉnh 9% trong quý 4 năm nay.

Về thương mại quốc tế, theo số liệu từ Cơ quan Thống kê quốc gia của Anh, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm 2022 của Anh tăng mạnh đạt 414,7 tỷ Bảng, tăng 30,7% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu đạt 151,5 tỷ Bảng tăng 17%, nhập khẩu đạt khoảng 263,1 tỷ Bảng tăng 40%.

Các đối tác thương mại chính của Anh là Hoa Kỳ, các nước EU, Trung Quốc. Việt Nam đứng thứ 23 trong số các nước xuất khẩu chính vào Anh chiếm khoảng 0,9% nhập khẩu của Anh và đứng thứ 50 trong số các nước nhập khẩu hàng hóa từ Anh và chiếm 0,2% xuất khẩu của Anh.

Nguồn: Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ 


 

In bài Share