Thực thi EVFTA - Thúc đẩy cải cách thể chế phù hợp với yêu cầu và bối cảnh phát triển mới
Sau 3 năm thực thi EVFTA, Hiệp định đã phát huy vai trò thúc đẩy cải cách thể chế phù hợp với yêu cầu và bối cảnh phát triển mới. Các lĩnh vực như thương mại, đầu tư, quyền sở hữu trí tuệ, phát triển bền vững, dịch vụ tài chính, mua sắm công đều có nhiều điều chỉnh về các thể chế, văn bản quy phạm pháp luật, hệ thống pháp luật Việt Nam phần lớn đã tương thích với các cam kết trong EVFTA.
Đó là thông tin được đưa ra tại Hội thảo công bố báo cáo “Đánh giá kết quả ba năm thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) đối với kinh tế Việt Nam” do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức sáng ngày 27/10, tại Hà Nội.
Hội thảo tập trung vào bốn mục tiêu cụ thể: (i) Tổng quan về việc thực hiện Hiệp định EVFTA trong giai đoạn 2020-2023 trong các cân nhắc rộng hơn về bối cảnh (địa chính trị, kinh tế quốc tế và khu vực); (ii) Phân tích định tính tác động đối với kinh tế Việt Nam và lưu chuyển thương mại, đầu tư giữa EU - Việt Nam sau ba năm thực thi Hiệp định EVFTA; (iii) Đánh giá tác động của Hiệp định EVFTA tới Việt Nam sau ba năm thực thi dưới góc nhìn thể chế trong một số lĩnh vực; (iv) Đề xuất các khuyến nghị chính sách nhằm thực thi có hiệu quả Hiệp định EVFTA trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, CIEM cho biết, EVFTA đã góp phần tạo điều kiện cho xuất khẩu vào EU phục hồi mạnh mẽ, đặc biệt trong hai năm đầu. Tác động đối với xuất khẩu vào EU trong năm thứ ba có phần kém tích cực hơn, có thể là do kinh tế thế giới nói chung và kinh tế EU nói riêng gặp những khó khăn do nhiều yếu tố (xung đột địa chính trị; xung đột Nga-Ukraine; tăng giá hàng hóa trên thị trường thế giới và áp lực lạm phát; lãi suất điều hành và các quy định đối với nhập khẩu có xu hướng gia tăng ở thị trường EU,…). Tác động của EVFTA đối với tăng trưởng nhập khẩu từ EU có phần kém rõ ràng hơn so với tăng trưởng xuất khẩu vào EU.
Bên cạnh đó, EVFTA cũng giúp cho Việt Nam tăng cường nhập khẩu thiết bị máy móc, thiết bị và công nghệ hiện đại, góp phần cho quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, giúp tiêu chuẩn các sản phẩm tăng cao hơn và tăng khả năng gia nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam trên thị trường thế giới. Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam nhìn chung đã cải thiện khả năng đáp ứng nhu cầu nhập khẩu của thị trường EU ngay sau khi EVFTA đi vào thực thi.
Tuy nhiên, cơ cấu xuất khẩu sang EU trong giai đoạn 2017-2021 vẫn dịch chuyển theo hướng giảm các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao. Hoạt động xuất khẩu sang thị trường này vẫn thấp hơn kỳ vọng, cho thấy tiềm năng để gia tăng xuất khẩu vào thị trường EU vẫn còn rất lớn.
Đối với đầu tư nước ngoài, tác động với dòng vốn đầu tư từ EU vào Việt Nam cũng cho thấy những cải thiện rõ rệt xét trong tổng thể kết quả thu hút FDI của Việt Nam. Với nhiều ưu đãi thuế quan và gỡ bỏ các hạn chế tiếp cận thị trường trong nhiều lĩnh vực, EVFTA đã mở rộng cửa cho các nhà đầu tư EU tiếp cận và mở rộng đầu tư ở Việt Nam.
Mặc dù chịu ảnh hưởng không nhỏ của đại dịch COVID-19 bùng phát năm 2020, nhưng đầu tư từ EU vào Việt Nam ít nhiều đã tăng sau đại dịch. Hà Lan, Pháp, Luxembough, Đức, Đan Mạch, Bỉ lần lượt là sáu nhà đầu tư hàng đầu của EU vào Việt Nam. Dù vậy, nếu so sánh vốn đăng ký lũy kế tại thời điểm cuối tháng 7/2023 với vốn đăng ký lũy kế tại thời điểm 7/2020 thì có thể thấy tác động của EVFTA đối với thu hút vốn FDI từ EU còn tương đối khiêm tốn.
Từ góc độ thể chế, EVFTA đã phát huy vai trò thúc đẩy cải cách thể chế phù hợp với yêu cầu và bối cảnh phát triển mới. Kết quả phân tích của CIEM cho thấy các lĩnh vực như thương mại, đầu tư, quyền sở hữu trí tuệ, phát triển bền vững, dịch vụ tài chính, mua sắm công đều có nhiều điều chỉnh về các thể chế, văn bản quy phạm pháp luật, hệ thống pháp luật Việt Nam phần lớn đã tương thích với các cam kết trong EVFTA. Tiến độ chuẩn bị một số văn bản quy phạm pháp luật để triển khai EVFTA có phần nhanh hơn so với CPTPP, có thể do đã rút kinh nghiệm từ quá trình tổ chức thực thi CPTPP.
Để khai thác tối đa lợi ích từ Hiệp định EVFTA trong bối cảnh cải cách thể chế kinh tế và hội nhập quốc tế của Việt Nam, Báo cáo đã đưa ra các khuyến nghị cụ thể, bao gồm: Rà soát, hoàn thiện các quy định, văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường sự phối hợp đồng bộ từ Trung ương tới địa phương; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về FTA tới các khối doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ và vừa; nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và cả nền kinh tế; tăng cường, đổi mới các hoạt động xúc tiến thương mại, định hướng thị trường xuất khẩu nhằm tận dụng cơ hội từ EVFTA; rà soát, đơn giản hóa các quy định, thủ tục về cấp giấy chứng nhận C/O cho doanh nghiệp xuất khẩu sang các thị trường đối tác; chủ động nghiên cứu các nội dung liên quan đến cải cách cơ cấu nhằm hỗ trợ thực thi EVFTA.
Tại Hội thảo, các chuyên gia và đại biểu cũng trao đổi thêm về tồn tại, hạn chế và bài học kinh nghiệm trong việc thực thi EVFTA trong giai đoạn 2020-2023; các kiến nghị, giải pháp nhằm thúc đẩy môi trường kinh doanh thuận lợi, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, thúc đẩy các sáng kiến phát triển bền vững, hợp lý hóa các dịch vụ tài chính và quy trình mua sắm công phù hợp với EVFTA trong thời gian tới.
Hữu Hưng