Thích ứng với hệ thống kiểm soát hàng hóa nhập khẩu nâng cấp của EU
Hàng năm, hàng nghìn tỷ Euro hàng hóa được nhập khẩu vào Liên minh châu Âu (EU). Kim ngạch xuất nhập khẩu của khối EU-27 hiện chiếm khoảng 15% thương mại hàng hóa thế giới.
EU coi việc đảm bảo an ninh an toàn chung cho công dân và thị trường EU là ưu tiên hàng đầu. Do đó, song song với việc tạo nhiều ưu đãi cho hàng hóa của các đối tác thông qua các hiệp định Thương mại tự do như EVFTA với Việt Nam, EU liên tục sửa đổi, nâng cấp các quy định đối với hàng hóa nhập khẩu, tiêu thụ tại khu vực này.
Đặc biệt, nhằm tăng cường quản lý rủi ro, nguy cơ tổn thất tính mạng con người, thiệt hại kinh tế và sự gián đoạn của chuỗi cung ứng, EU đã và đang nỗ lực triển khai chương trình an ninh và an toàn của Hải quan áp dụng trước khi hàng đến, được củng cố bởi hệ thống thu thập thông tin hàng hóa với quy mô lớn - Hệ thống kiểm soát nhập khẩu (ICS2).
Tiếp theo quá trình hoạt động của giai đoạn 1 và 2 trước đó, giai đoạn 3 của Hệ thống kiểm soát hàng hóa nhập khẩu (ICS2) bắt đầu từ ngày 3/6/2024 áp dụng cho tất cả các đối tượng còn lại bao gồm 5 đối tượng từ giai đoạn 1 và 2, bổ sung thêm các doanh nghiệp vận chuyển đường biển, đường sắt và đường bộ cùng với các nhà nhập khẩu tại EU.
Hệ thống nâng cấp này được tạo ra để thu thập dữ liệu về tất cả hàng hóa vào EU. Theo EU, ICS2 nhằm mục đích bảo vệ tốt hơn thị trường chung châu Âu và công dân của mình bằng các biện pháp an toàn và an ninh hải quan mới, đồng thời sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho dòng chảy thương mại tự do thông qua các quy trình an ninh hải quan dựa trên dữ liệu được cải thiện phù hợp với các mô hình kinh doanh toàn cầu.
Đáng chú ý, tuân thủ hệ thống ICS2 là bắt buộc đối với tất cả các lô hàng quá cảnh qua bất kỳ quốc gia EU nào ngay cả khi điểm đến cuối cùng không phải là một phần của EU, ví dụ với các lô hàng từ châu Á đến Vương quốc Anh quá cảnh qua một quốc gia thành viên EU.
Các giai đoạn và phạm vi áp dụng Hệ thống kiểm soát nhập khẩu (ICS2)
Với bản phát hành ICS2 thứ ba này, các hãng vận tải đường biển, đường thủy nội địa, đường bộ và đường sắt cũng cần cung cấp dữ liệu về hàng hóa được gửi đến hoặc qua EU trước khi hàng đến, bao gồm mã Hệ thống Hài hòa (HS) gồm 06 chữ số cho từng dòng hàng hóa được liệt kê trong hóa đơn thương mại và/hoặc mô tả hàng hóa chi tiết cho các lô hàng trước khi đến, thông qua Tờ khai nhập khẩu tóm tắt (ENS).
Nghĩa vụ này cũng liên quan đến các hãng vận chuyển bưu chính và chuyển phát nhanh sử dụng các phương thức vận tải này này để vận chuyển hàng hóa cũng như các bên liên quan khác, chẳng hạn như nhà cung cấp dịch vụ hậu cần.
Trong một số trường hợp nhất định, bên nhận hàng cuối cùng được thành lập tại EU cũng phải gửi dữ liệu ENS tới ICS2.
Dựa theo yêu cầu, các quốc gia thành viên EU sẽ cấp quyền cho các bên giao dịch chịu ảnh hưởng để kết nối dần với ICS2 trong khoảng thời gian triển khai có hạn.
Các quốc gia thành viên có thể cấp thời hạn triển khai tại bất kỳ thời điểm nào trong những khung thời gian sau: Từ ngày 03/6/2024 đến ngày 04/12/2024 (các hãng vận tải đường biển và đường thủy nội địa); từ ngày 04/12/2024 đến ngày 01/4/2025 (đơn vị nộp đơn thứ cấp vận tải đường biển và đường thủy nội địa); và từ ngày 01/4/2025 đến ngày 01/9/2025 (các hãng vận tải đường bộ và đường sắt).
Nếu các bên giao dịch chưa chuẩn bị sẵn sàng và không cung cấp dữ liệu theo yêu cầu của ICS2, hàng hóa của họ sẽ bị dừng ở biên giới EU và không được cơ quan hải quan thông quan. Thông tin trước về hàng hóa và phân tích rủi ro sẽ cho phép xác định sớm các mối đe dọa về an ninh và giúp cơ quan hải quan can thiệp vào thời điểm thích hợp nhất trong chuỗi cung ứng.
Để đáp ứng các nghĩa vụ về nộp dữ liệu Tờ lược khai nhập khẩu, Tổng cục Hải quan Việt Nam khuyến nghị các doanh nghiệp cần nâng cấp các hệ thống công nghệ thông tin, quy trình nghiệp vụ và đào tạo nhân sự. Ngoài ra, các doanh nghiệp bắt buộc phải thực hiện tự kiểm thử tính phù hợp trước khi bắt đầu các nghiệp vụ khai báo vào hệ thống.
Từ thời điểm 3/6/2024, tất cả các doanh nghiệp logistics, chuyển phát nhanh, giao nhận và các doanh nghiệp vận tải đường biển, đường hàng không, đường sắt và đường bộ có liên quan tới hàng hoá xuất khẩu từ Việt Nam vào EU đều phải khai báo dữ liệu trước khi hàng đến vào hệ thống ICS2 của Liên minh Hải quan EU.
Nếu doanh nghiệp Việt Nam không nắm được các quy định này có khả năng phải chịu hậu quả nghiêm trọng như: Các containers và lô hàng sẽ bị dừng tại biên giới với EU; Hàng hoá sẽ không được thông quan bởi Hải quan EU; hoặc các tờ khai không đầy đủ hoặc bị từ chối hoặc sẽ bị cấm vận vì không tuân thủ quy định của EU.
Tổng cục Hải quan
Việt Thành