Tin tức

Tạo cầu nối giao thương giữa nhà sản xuất và nơi tiêu thụ, góp phần mở rộng thị trường, cũng như tăng cường xúc tiến thương mại

23.11.2020

Thời gian gần đây, đặc biệt từ sau thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, các địa phương trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên đã tăng cường kết nối với nhau để cùng liên kết giữa nơi sản xuất và thị trường tiêu thụ nông sản. Việc các địa phương trong khu vực đẩy mạnh sợi dây kết nối này đang giúp cho nơi sản xuất, các DN, đặc biệt là người tiêu dùng hưởng lợi.

Thời gian gần đây, đặc biệt từ sau thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, các địa phương trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên đã tăng cường kết nối với nhau để cùng liên kết giữa nơi sản xuất và thị trường tiêu thụ nông sản. Việc các địa phương trong khu vực đẩy mạnh sợi dây kết nối này đang giúp cho nơi sản xuất, các DN, đặc biệt là người tiêu dùng hưởng lợi.

Trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên, tỉnh Lâm Đồng là “nhà sản xuất”, vựa nông sản lớn không chỉ của khu vực mà còn cả nước. Với nhiều điều kiện thuận lợi, từ lâu Lâm Đồng luôn cung cấp một lượng lớn nông sản cho cả nước, cũng như xuất khẩu đi các nước khác. Hiện, địa phương đang phát triển nông nghiệp trên diện tích hơn 300 nghìn ha, trong đó 15 nghìn ha phát triển nông nghiệp công nghệ cao, 57 nghìn ha dành cho rau củ quả... Bởi vậy, địa phương này cũng đang đi đầu trong việc tạo đầu mối liên kết tiêu thụ sản phẩm nông sản ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Theo đại diện UBND tỉnh Lâm Đồng, địa phương có diện tích sản xuất nông sản lớn nhất nhì cả nước. Hiện, Lâm Đồng đang hướng đến sản xuất nông sản an toàn, theo công nghệ cao, đảm bảo chất lượng để cung ứng cho thị trường cả nước cũng như đẩy mạnh xuất khẩu.

Mới đây, Lâm Đồng và Phú Yên đã cùng hợp tác tổ chức hội nghị kết nối giao thương tại TP. Tuy Hòa. Đây được coi là hoạt động nhằm tăng cường hợp tác thúc đẩy cung ứng và tiêu thụ hàng hóa nông sản giữa hai địa phương. Tham gia sự kiện này có 15 cơ sở sản xuất, DN đến từ Lâm Đồng, tập trung giới thiệu các mặt hàng tiềm năng thế mạnh của khu vực cao nguyên như, cà phê, dệt thổ cẩm, trà, thảo dược, rau quả tươi, hạt điều sấy khô hay đông trùng hạ thảo... Ngay tại hội nghị kết nối giao thương này, 12 biên bản ghi nhớ được ký kết giữa các DN phân phối, siêu thị với các cơ sở, nhà sản xuất nông sản của hai địa phương.

Tương tự, Lâm Đồng cũng đã ký kết biên bản thỏa thuận cung ứng nông sản an toàn TP. Đà Nẵng. Theo đó, các loại nông sản được sản xuất từ Lâm Đồng được đưa đến tiêu thụ tại thị trường Đà Nẵng, nhất là các siêu thị, chợ đầu mối, cửa hàng... đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc, xuất xứ theo quy định của các cơ quan chức năng...

Đến nay, ngoài TP. Đà Nẵng, Phú Yên tỉnh Lâm Đồng còn hợp tác, giao thương với nhiều địa phương khác cả trong và ngoài khu vực miền Trung - Tây Nguyên như, Bình Thuận, Đắk Lắk TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội... Những sự hợp tác này, đã góp phần tạo cầu nối giao thương giữa nhà sản xuất và nơi tiêu thụ, nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cũng như tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại giữa các địa phương.

Cơ hội cho người tiêu dùng

Bên cạnh, việc kết nối với các địa phương trong cả nước thời gian gần đây Lâm Đồng còn tăng cường hợp tác với các thị trường ở nước ngoài để đẩy mạnh việc tiêu thụ các sản phẩm, đặc biệt là các mặt hàng nông sản. Mới đây, tỉnh đã tham gia hội nghị giao thương trực tuyến nông sản, thực phẩm Việt Nam - Trung Quốc, do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) tổ chức. Tại sự kiện này, Lâm Đồng tập trung giới thiệu tới các nhà nhập khẩu trái cây của Trung Quốc về sản phẩm sầu riêng của địa phương. Theo ông Bùi Thế - Phó Giám đốc Sở Công thương Lâm Đồng, hiện sầu riêng Việt Nam chưa có trong danh mục các trái cây được xuất chính ngạch vào Trung Quốc. Bởi vậy, địa phương sẵn sàng tiếp đón các đoàn của các cơ quan chức năng và DN Trung Quốc đến thăm, khảo sát, đánh giá vùng trồng để chứng minh độ an toàn, sự thơm ngon của sầu riêng Lâm Đồng, từ đó tìm kiếm cơ hội hợp tác giao thương tiêu thụ sản phẩm nông sản này.

Có thể nói, việc đẩy mạnh kết nối giữa nơi sản xuất và tiêu thụ nông sản ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên như ở Lâm Đồng đã thực hiện trong thời gian qua đã và đang mang lại nhiều hiệu quả từ nhà sản xuất, DN đến tận những người tiêu dùng. Trước hết, đối với những nông dân trực tiếp sản xuất các mặt hàng nông sản, việc đẩy mạnh kết nối giữa các địa phương góp phần giải quyết đầu ra ổn định cho các sản phẩm. Đặc biệt, có ý nghĩa quan trọng trong thời điểm xuất khẩu đang gặp những khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra như hiện nay. Trong khi đó, về phía các DN phân phối việc tăng cường kết nối giữa các địa phương, là dịp để các DN có điều kiện tiếp cận tìm kiếm đối tác, giới thiệu sản phẩm, phối hợp kinh doanh, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa trên thị trường.

Về phía người tiêu dùng, việc không thiếu hụt các sản phẩm nông sản trên thị trường, đồng nghĩa với việc giá cả nông sản sẽ tương đối ổn định, khiến các “thượng đế” có thêm nhiều sự lựa chọn. Đơn cử như tại TP. Đà Nẵng, với nguồn nông sản dồi dào từ Lâm Đồng, người tiêu dùng ở thành phố sẽ được sử dụng những sản phẩm nông sản đặc thù ở Tây Nguyên có chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn vệ sinh thực phẩm và giá cả phải chăng. Điều này, giúp Đà Nẵng chủ động được nguồn hàng nông sản an toàn phục vụ nhu cầu sinh hoạt của nhân dân và hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn. Trên thực tế, việc ký kết cung cấp nông sản giữa các địa phương cũng là cơ sở để các cơ quan chức năng phối hợp kiểm tra, giám sát nguồn thực phẩm từ nơi sản xuất đến nơi tiêu dùng. Đây cũng là cầu nối thúc đẩy DN, cơ sở sản xuất kinh doanh của các bên cung ứng nông sản an toàn theo chuỗi một cách bền vững.

Tuy nhiên, vướng mắc hiện nay trong việc kết nối sản xuất, tiêu thụ nông sản là các DN vẫn còn gặp một số khó khăn như, sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm VietGAP, Global GAP... giá thành đội lên cao. Trong khi, giá các sản phẩm trên thị trường chỉ ở mức vừa phải, khiến các DN gặp khó khăn. Ngoài ra, kinh phí vận chuyển từ địa phương này qua địa phương khác tăng cao, cũng khiến giá thành sản phẩm đội lên cao, chưa kể đến các điều kiện bảo quản sản phẩm trên đường vận chuyển còn có những hạn chế, bất cập... Bởi vậy, bên cạnh những nỗ lực của cộng đồng DN các ngành chức năng cần tăng cường hỗ trợ trong hoạt động giao thương, quảng bá sản phẩm để DN có nhiều cơ hội phát triển, góp phần bình ổn thị trường.

In bài Share