Nông sản Việt tận dụng cơ hội từ UKVFTA để thâm nhập thị trường, tăng thị phần tại Anh

05.12.2023

Nông sản, thực phẩm là mặt hàng xuất khẩu đang có triển vọng tăng trưởng tốt, nhất là khi đây là nhóm ngành hàng Việt Nam được hưởng lợi theo UKVFTA nhờ được xóa bỏ ngay 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả, trong đó có nhiều sản phẩm là thế mạnh của Việt Nam.

Nông sản Việt có nhiều triển vọng xuất khẩu

Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, trong năm 2022, nếu tính gộp kim ngạch các mặt hàng rau quả, hạt điều, cà phê, hạt tiêu, bánh kẹo ngũ cốc của Việt Nam xuất sang Vương quốc Anh đạt 269,34 triệu USD (chiếm tỷ trọng 4% tổng kim ngạch xuất khẩu), tăng 17% so năm 2021. Sức tăng trưởng của các nhóm ngành hàng như: rau quả tăng 8%, hạt tiêu tăng 9,9%, bánh kẹo ngũ cốc tăng 23,6%, cà phê tăng 61,1%.

Kết quả 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu nhóm ngành hàng này đạt tổng kim ngạch hơn 135 triệu USD, giảm 12% so với cùng kỳ năm 2022 do ảnh hưởng của lạm phát cao hạn chế tiêu dùng. Trong đó, rau quả tăng mạnh nhất với 28,3%, hạt điều tăng 2,7%.

Cũng theo Hải quan Anh năm 2022, Vương quốc Anh nhập khẩu khoảng 40% nhu cầu lương thực – thực phẩm, trong đó 12.489 triệu bảng rau quả, 8.449 triệu bảng đồ uống các loại, 6.020 triệu bảng ngũ cốc, 4.803 triệu bảng cà phê, trà, ca cao, 3.694 triệu bảng hải sản, 2.533 triệu bảng thuốc lá…

Theo Thương vụ Việt Nam tại Anh, các thực phẩm thực phẩm chất lượng cao, đặc biệt là những sản phẩm có lợi cho sức khỏe và thể chất, thân thiện với môi trường và động vật, được người tiêu dùng Anh ưa thích. Nông sản Việt Nam có triển vọng xuất khẩu là trái cây và rau tươi như chanh, chanh leo, bưởi, khoai lang, thanh long, xoài, hoa quả đặc sản nhiệt đới theo mùa, rau thơm các loại (sả, ớt, mùi…); sản phẩm đã chế biến như thực phẩm tốt cho sức khỏe, thực phẩm thông thường, thực phẩm ăn nhẹ; gia vị như hạt tiêu, bột ớt, bột nghệ… và các loại rau gia vị; các loại hạt như hạt điều, hạnh nhân, đậu phộng, hồ đào, quả óc chó, hạt mắc ca; trái cây sấy khô và chế biến; hải sản như tôm đông lạnh, cá basa; các sản phẩm thịt gia cầm không chứa hormone; nước ép quả tươi, sữa hạt; mì, bún, phở ăn liền gạo; snack.

Cần đầu tư và có các chứng chỉ chất lượng quốc tế

Tuy nhiên, giống như EU và tất cả các nước phát triển khác, UK kiểm soát rất chặt chẽ việc sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón và các sản phẩm hóa chất dùng trong nông nghiệp. Nông sản nhập khẩu chỉ được phép thông quan nếu có mức dư lượng hóa chất dưới ngưỡng tối đa cho phép (MRL) đối với từng loại sản phẩm. UK áp dụng MRL theo tiêu chuẩn EU.

Vì vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cần quan tâm đầu tư và có các chứng chỉ chất lượng quốc tế để dễ tiếp cận và xuất khẩu vào thị trường Anh.

Ngoài ra, cần phải sử dụng hệ thống PEACH (thủ tục đăng ký điện tử để cấp giấy chứng nhận) để nhập khẩu một số loại thực vật, trái cây và rau quả vào England, Wales và Scotland. Hệ thống PEACH không áp dụng cho Bắc Ireland.

Đặc biệt, doanh nghiệp cũng chú ý đến khẩu vị, thị hiếu người tiêu dùng. Đơn cử như mặt hàng cà phê - mặt hàng xuất khẩu quan trọng sang Anh có giá trị kim ngạch lớn với 90,8 triệu USD năm 2022, tăng 61,1% so với năm 2021.

7 tháng đầu 2023, xuất khẩu cà phê Việt Nam sang Anh đạt kim ngạch 58,1 triệu USD. Thị trường cà phê Anh có sự khác biệt so với các nước châu Âu khác vì Anh vốn được coi là đất nước của những người uống trà. Trong nhiều năm qua, người Anh có xu thế tiêu thụ ngày càng nhiều cà phê trong khi giảm uống trà, nhất là trong giới trẻ. Anh đang là thị trường tiêu thụ cà phê lớn thứ 5 châu Âu (sau Đức, Ý, Pháp và Tây Ban Nha).

Thương vụ Việt Nam tại Anh cho biết, về khẩu vị, người Anh không uống cà phê đậm đặc như cà phê đen của Việt Nam. Cà phê thành phẩm có mùi và vị mạnh quá sẽ khó bán ở thị trường Anh. Người Anh cũng không thích uống cà phê hòa tan quá ngọt như một số loại cà phê hòa tan 3 trong 1 phổ biến hiện nay của Việt Nam.

Về bao bì, người Anh có thói quen đọc thông tin trên bao bì rất kỹ để xác định xem sản phẩm có thành phần gây dị ứng hay không, nên được pha chế như thế nào, có đạt các tiêu chí ESG (môi trường, xã hội và quản trị) hay không. Thông tin cần được trình bày một cách khoa học và nghệ thuật. Các thương hiệu cà phê Việt Nam cần thể hiện được tiêu chí “chân – thiện – mỹ” trên bao bì sản phẩm để thu hút được sự chú ý của người tiêu dùng cũng như các nhà phân phối. Các nhà phân phối sẽ hoan nghênh sản phẩm vừa phù hợp thị hiếu tiêu dùng, vừa có bao bì đẹp và sử dụng chất liệu thân thiện với môi trường.

Đặc biệt, Đạo luật Môi trường 2021 của Anh bao gồm các điều khoản về nhập khẩu và sử dụng một số hàng hóa có nguy cơ phá rừng (FRC) hoặc các sản phẩm có nguồn gốc từ FRC. Quy định này cấm bán cà phê có nguồn gốc từ đất rừng bị phá. Vì vậy, ngành cà phê Việt Nam cần có dữ liệu chứng minh cà phê xuất khẩu không vi phạm quy định thương mại. Yêu cầu số hóa trong chuỗi giá trị cà phê bao gồm nơi sản xuất, hệ thống giám sát, các biện pháp chống phá rừng.

 

Mai Trang

In bài Share