Nhà mua hàng sẵn sàng mở rộng nguồn cung, doanh nghiệp Việt làm gì để nắm bắt cơ hội

15.09.2024

Để đón bắt cơ hội, có thêm đơn hàng với các nhà mua hàng toàn cầu, doanh nghiệp phải không ngừng “nâng cấp” năng lực cung ứng, sản xuất theo xu hướng xanh.

Sẵn sàng mở rộng nguồn cung

Việt Nam tiếp tục là địa điểm dừng chân lý tưởng của nhiều tập đoàn, doanh nghiệp toàn cầu trong chiến lược đa dạng hóa, đảm bảo nguồn cung bền vững.

Chia sẻ tại tọa đàm: “Sự tham gia của các tập đoàn phân phối và các đầu mối thu mua quốc tế tại Viet Nam International Sourcing 2024” do Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ, Bộ Công Thương tổ chức sáng ngày 12/4 tại TP. Hồ Chí Minh, ông Yuichiro Shiotani, Giám đốc Aeon Topvalu Việt Nam cho biết, Việt Nam là quốc gia được lựa chọn và có tiềm năng để cung cấp hàng hóa cho Aeon.

Năm 2023, tập đoàn đã mời được nhiều nhà mua hàng từ Trung Quốc, Campuchia, Hông Kông, và đã xuất khẩu được nhiều mặt hàng như: Chuối, vải, thanh long, cá da trơn với số lượng lớn và được người tiêu dùng yêu thích.

“Năm nay doanh nghiệp tập trung vào các nhóm hàng may mặc, gia dụng, thực phẩm có tiềm năng lớn cũng sẽ được đầu tư nhiều. Các mặt hàng nông sản như: Chuối, xoài tươi sẽ được Aeon thu mua 100% từ Việt Nam thay vì Thái Lan và Philippines như trước. Dự định sản lượng sẽ tăng lên gấp đôi so với năm 2023”, ông Yuichiro Shiotani cho biết.

Có hệ thống phân phối lớn tại Trung Đông và Malaysia, ông Mirash Basheer, Giám đốc Công ty May Exports Vietnam, Tập đoàn Lulu cũng kỳ vọng thông qua sự kiện năm nay, doanh nghiệp sẽ kết nối được với nhiều nhà cung cấp và nhiều mặt hàng mới từ Việt Nam.

Nhà mua hàng sẵn sàng mở rộng nguồn cung, doanh nghiệp Việt làm gì để nắm bắt cơ hội
Ông Mirash Basheer, Giám đốc Công ty May Exports Vietnam, Tập đoàn Lulu kỳ vọng sẽ tiếp xúc và kết nối được nhiều sản phẩm mới tại Viet Nam international sourcing 2024. Ảnh Thanh Minh

Theo ông Mirash Basheer, tại thị trường Việt Nam, đơn vị đã làm việc và tìm nguồn hàng xuất khẩu sang Trung Đông. Chia sẻ về những thành công tại Viet Nam International sourcing 2023, ông Mirash Basheer cho biết, sau sự kiện doanh nghiệp đã tìm kiếm được nguồn hàng và xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ. So với năm 2022, năm 2023 kim ngạch xuất khẩu của đơn vị tăng trưởng 15%.

 

“Tham dự Viet Nam international sourcing 2024, doanh nghiệp đã huy động đoàn thu mua từ các quốc gia Dubai, Oman, Kuwait. Hy vọng việc thu mua sẽ tiếp tục thuận lợi. Ngoài ra chúng tôi có một số mặt hàng mong muốn thu mua tại Việt Nam như: Chuối, cà phê… tại Việt Nam”, ông Mirash Basheer chia sẻ.

Đánh giá về những thành công của Sourcing Fair 2023, bà Nguyễn Hoàng Thúy, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Thụy Điển (Bộ Công Thương) nhìn nhận, đây là sự kiện thành công, giúp gắn kết các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam với các doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối tại nước ngoài nói chung và khu vực Bắc Âu nói riêng. Qua sự kiện này, các doanh nghiệp Bắc Âu đã có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về thị trường Việt Nam và tiềm năng hợp tác trong các lĩnh vực khác nhau, từ logistics đến sản xuất.

“Các tập đoàn lớn trong lĩnh vực nội thất, hàng gia dụng như FH (Đan Mạch), IKEA (Thụy Điển), hay các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu thực phẩm Á châu như Scanesia (Na Uy), East Asia (Thụy Điển)… khi tham gia hội chợ đã ít nhiều có cái nhìn tích cực hơn đối với thị trường Việt Nam nói chung và hàng xuất khẩu của Việt Nam nói riêng. Một số hợp đồng đã được ký kết ngay sau hội chợ. Nhiều mặt hàng mới được đưa vào thị trường từ bánh mì Việt Nam đông lạnh, đến đu đủ xanh nạo sợi…”, bà Thúy thông tin.

 

Với sự kiện kết nối hàng hóa vào chuỗi cung ứng năm nay, bà Thúy cho biết, Thương vụ sẽ tăng cường hiệu quả kết nối giữa các doanh nghiệp bằng cách tổ chức các buổi hội thảo, gặp gỡ với các đối tác tiềm năng ở diện rộng, kết hợp tổ chức đi thăm nhà máy, cơ sở sản xuất hàng xuất khẩu. Những hoạt động này sẽ giúp tạo ra cơ hội trao đổi trực tiếp và xây dựng mối quan hệ đáng tin cậy giữa các doanh nghiệp.

Bài toán cho các nhà cung ứng Việt

Theo các chuyên gia, chuỗi sự kiện kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế là hoạt động xúc tiến thương mại quan trọng, hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Nhà mua hàng sẵn sàng mở rộng nguồn cung, doanh nghiệp Việt làm gì để nắm bắt cơ hội
Các doanh nghiệp đánh giá cao về sự kiện Viet Nam International Sourcing 2024

Tuy nhiên, để đón bắt cơ hội, có thêm đơn hàng với các nhà mua hàng toàn cầu, doanh nghiệp phải không ngừng “nâng cấp” năng lực cung ứng, sản xuất theo xu hướng xanh, sản phẩm có thể tái chế.

Thông tin từ Ban Tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài quan tâm nhiều đến các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như: Nông sản, thực phẩm chế biến, lâm sản, cùng nhóm sản phẩm công nghiệp chế biến - chế tạo…

Năng lực sản xuất đủ lớn, sản phẩm có sự ổn định về chất lượng, giá cả cạnh tranh là những tiêu chuẩn đầu tiên mà nhà mua hàng toàn cầu yêu cầu. Nhưng hiện doanh nghiệp Việt phải đáp ứng thêm các tiêu chuẩn về sản phẩm xanh, sạch, quá trình sản xuất phải cắt giảm phát thải, tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu, giải pháp tái chế chất thải.

Liên quan đến những tiêu chuẩn này, ông Yuichiro Shiotani, Giám đốc Aeon Topvalu Việt Nam cho biết, trong chiến lược của mình, doanh nghiệp đang chú trọng và chọn những nhà cung cấp có xu hướng phát triển sản xuất xanh. Đơn cử như với sản phẩm chuối, doanh nghiệp sẽ chọn những nhà cung ứng sản xuất ít phát thải ra môi trường, hay sản phẩm cà phê từ những doanh nghiệp đảm bảo công bằng thương mại tại nơi thu mua.

Với thị trường Mỹ, đại diện hệ thống siêu thị Walmart cho rằng, hiện có khoảng 500 doanh nghiệp đang cấp hàng cho siêu thị. Tuy nhiên, đa phần là các doanh nghiệp FDI, còn doanh nghiệp thuần Việt chiếm tỉ trọng rất nhỏ và chủ yếu là nhà cung cấp thứ cấp.

Theo vị đại diện này, mặc dù có đủ khả năng cung ứng cho Walmart, song thời gian qua doanh nghiệp Việt vẫn có những khó khăn nhất định khi tiếp cận thị trường Mỹ. Trong đó, chủ yếu là những thách thức trong việc tìm hiểu thông tin thị trường, đáp ứng yêu cầu thị trường. “Hiện lượng hàng Việt trên siêu thị Walmart không phải ít nhưng đa phần thông qua doanh nghiệp thứ 3”, vị đại diện này thông tin và cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động hơn trong tìm hiểu thông tin và đáp ứng yêu cầu thị trường.

Trong khi đó, ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán thương mại Việt Nam tại Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết các hệ thống như: Walmart hay Cotsco, Amazon đều lấy người tiêu dùng làm trung tâm và yếu tố khắt khe về chất lượng, giá cả hàng hóa. Đặc biệt là kiểm soát chất lượng đầu vào, đảm bảo tiêu chí xanh, trách nhiệm với môi trường, lao động.

Để mở rộng xuất khẩu vào thị trường Mỹ, ông Hưng khuyến nghị: Các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng cần quan tâm đến những tiêu chuẩn của các hệ thống phân phối. Với thị trường Mỹ, hệ thống phân phối của Mỹ được chuyên môn hóa cao nên việc bán hàng trực tiếp tới người tiêu dùng là rất khó khăn. Do vậy doanh nghiệp cần xây dựng thành công chuỗi cung ứng từ bán buôn đến bán lẻ. Cùng với đó, cần có chiến lược theo từng mặt hàng, phát triển kênh phân phối trên sàn thương mại điện tử và các kênh trung gian. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể phối hợp với hiệp hội ngành hàng tại các bang, nhà phân phối, cơ quan xúc tiến để tham gia triển lãm, hội chợ, mở rộng việc kết nối...

Để chuẩn bị cho Viet Nam sourcing 2024, ông Hưng cho biết, hiện Thương vụ đang phối hợp chặt với các tập đoàn của Mỹ và các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam. Qua đó thúc đẩy quảng bá và đưa hàng hóa Việt Nam vào các hệ thống phân phối của Mỹ.

Bà Đỗ Hồng Hạnh - Giám đốc Quan hệ Đối tác Chiến lược của Amazon Global Selling Việt Nam:

Hiệu quả thiết thực nhất trong Viet Nam international sourcing 2023 là trong quá trình tiếp xúc có tới 50% doanh nghiệp phù hợp về nội lực và mong muốn. Sau sự kiện có khoảng 30% doanh nghiệp có sự chuẩn bị và có thể tham gia xuất khẩu trên Amazon. Từ tháng 9/2023 – 3/2024 có 3% các doanh nghiệp Việt đã xuất khẩu thành công và đem lại doanh thu. Hiện có khoảng 20% doanh nghiệp vẫn đang trong quá trình chuẩn bị hồ sơ sản phẩm, chiến lược để mở rộng xuất khẩu.

Theo đánh giá của bà Hạnh, đây là sự kiện có kết quả nhanh và hiệu quả nhất vì thường các doanh nghiệp chuyển đổi sang xuất khẩu qua sàn thương mại điện tử phải mất từ 6 – 12 tháng để xuất khẩu vào thị trường Âu – Mỹ. Điều này cho thấy các doanh nghiệp tham dự Sourcing Fair 2023 đều có sự sẵn sàng cao và chuẩn bị tốt

Việt Thành

In bài Share