Mỹ Latinh là thị trường rất tiềm năng với ngành dệt may Việt Nam

15.09.2023

Các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như: Dệt may, da giày, nông sản chế biến… có cơ hội rất cao khi tham gia vào thị trường Mỹ Latinh với các quốc gia như Peru, Chile, Mexico

Thị trường ít khắt khe

Ngày 14/9 Bộ Công Thương phối hợp với UBND TP.HCM tổ chức “Diễn đàn Thương mại Việt Nam – Mỹ Latinh năm 2023” với chủ đề “Thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Mỹ Latinh thông qua các kênh phân phối hàng hóa”. Chương trình nằm trong khuôn khổ “Diễn đàn xuất khẩu 2023”.

Bà Võ Hồng Anh, Phó vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ Bộ Công thương thông tin, Mỹ Latinh được đánh giá là một thị trường rất tiềm năng khi khu vực này có 33 quốc gia, quy mô dân số khoảng 670 triệu người.

“Đặc biệt, thị hiếu của người dân Mỹ Latinh lại không quá khắt khe, khó tính như các thị trường khác. Chính vì vậy, các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như: Dệt may, da giày… hoàn toàn có cơ hội rất cao khi tham gia vào thị trường Peru, Chile, Mexico”, bà Hồng Anh chia sẻ.

Mỹ Latinh được đánh giá là thị trường ít khắt khe.
Mỹ Latinh được đánh giá là thị trường ít khắt khe.

Trong khi đó, quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và khu vực Mỹ Latinh đã không ngừng được phát triển và mở rộng, bất chấp nhiều giai đoạn khó khăn của thị trường. Chỉ trong vòng 5 năm, kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng gấp đôi từ mức 14,2 tỷ USD của năm 2018, lên mức 23 tỷ USD năm 2022.

Đáng chú ý, bên cạnh các thị trường có kim ngạch trao đổi hàng đầu tại khu vực như: Brazil, Mexico, Argentina, Chile thì nhiều thị trường mới nổi như Panama, Colombia, Peru… đã và đang trở thành điểm sáng trong trao đổi thương mại của Việt Nam với Mỹ Latinh với tốc độ tăng trưởng ấn tượng trong những năm gần đây.

Bà Roberta Guttler Difini, Đại diện Tập đoàn may mặc Brazil Renner cho biết, doanh nghiệp có hơn 650 cửa hàng tại Brazil, Uruguay, Argentina… Năm 2022, Brazil Renner mới vừa mở một văn phòng đại diện tại Việt Nam nhằm tìm kiếm đối tác kinh doanh.

“Hiện nay, khoảng 35-40% nguồn cung của tập đoàn là đến từ châu Á, đặc biệt là Trung Quốc. Vì vậy, doanh nghiệp cũng mong muốn tìm kiếm các nhà cung cấp bên ngoài Trung Quốc để đa dạng hóa nguồn hàng như Bangladesh, Việt Nam…”, bà Roberta Guttler Difini cho hay.

Chưa khai thác hết tiềm năng

Tuy nhiên, giá trị trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Mỹ Latinh được đánh giá vẫn còn khiêm tốn và chưa tương xứng với tiềm năng. Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và các đối tác khu vực Mỹ Latinh vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức trong hợp tác kinh doanh như khoảng cách địa lý xa xôi, chưa có tuyến vận tải hàng hoá và hành khách trực tiếp, chi phí logistics cao, khác biệt về ngôn ngữ, thiếu thông tin thị trường…

doanh nghiệp Việt cần thể hiện được thế mạnh để gia tăng cạnh tranh, tham gia sâu vào chuối cung ứng toàn cầu.
Doanh nghiệp Việt cần thể hiện được thế mạnh để gia tăng cạnh tranh, tham gia sâu vào chuối cung ứng toàn cầu.

Ông Mario Schuff, chuyên gia kinh tế, ngoại giao, Giám đốc phụ trách quan hệ Việt Nam – Argentina của Phòng Thương mại châu Á nhấn mạnh tiềm năng là rất lớn, tuy nhiên doanh nghiệp cần có những bước đi bài bản, chuyên nghiệp.

Đặc biệt, đây là một thị trường đặc thù về ngôn ngữ khi 32 quốc gia nói tiếng Tây Ban Nha, Brazil nói tiếng Bồ Đào Nha… Vì vậy, doanh nghiệp cần có nhân sự am hiểu về thị trường, ngôn ngữ… để làm tốt công tác xúc tiến trong tương lai.

Ông Federico Bucher, Giám đốc khu vực châu Á, Tập đoàn Cencosud Chile thông tin, hiện nay các đối tác của tập đoàn tại Trung Quốc rất nhiều. Vì vậy, Cencosud Chile đưa ra 3 tiêu chí để doanh nghiệp Việt xem xét về tính cạnh tranh với Trung Quốc, gồm: Chất lượng, giá cả và thương mại nhằm đi sâu hơn vào hệ thống của tập đoàn.

“Thách thức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam sang thị trường Chile là Trung Quốc, đặc biệt là ngành dệt may. Vì vậy, với việc Trung Quốc đang mất dần lợi thế vì giá nhân công cao thì Việt Nam nên đón đầu xu thế này để tận dụng cơ hội xuất khẩu sản phẩm dệt may, da giày sang Chile hay một vài quốc gia của Mỹ Latinh”, ông Federico Bucher cho biết. 

In bài Share