Mở lối đưa hàng Việt vào các siêu thị ở Mỹ

29.09.2024

Việc xuất khẩu trực tiếp hàng Việt vào các siêu thị ở Mỹ đang có thêm những tín hiệu mới đáng khích lệ và nên tiếp tục mở lối khơi thông để “tuôn chảy” mạnh mẽ hơn. Điều này cần nỗ lực nhiều hơn nữa từ bản thân các doanh nghiệp thuần Việt nhằm tránh bất lợi, và sự chung tay của chính quyền địa phương, cơ quan thương vụ cùng các đối tác, nhà bán lẻ lớn tại Mỹ.

Để chuẩn bị cho việc thúc đẩy xuất khẩu (XK) vải thiều vào thị trường Mỹ, trong tháng 4/2024 vừa qua chính quyền tỉnh Bắc Giang đã làm việc với đoàn tham tán nông nghiệp, thương vụ Việt Nam tại Mỹ và bà Amy Nguyen - Tổng giám đốc Công ty Dragonberry Produce (công ty nhập khẩu vải thiều của Bắc Giang tại Mỹ). 

Những tín hiệu mới đáng khích lệ

Công ty Dragonberry Produce hiện là nhà cung cấp nông sản cho hệ thống siêu thị Safeway (có 913 cửa hàng), Albertsons (có trên 300 cửa hàng) và hệ thống siêu thị Costco (với 635 siêu thị tại Mỹ và Canada) là các chuỗi siêu thị có mạng lưới lớn nhất bờ Tây của nước Mỹ và khu vực Bắc Mỹ.

-7099-1714728146.png

Các chủ DN thuần Việt cần chủ động tiếp xúc trực tiếp với đại diện các nhà bán lẻ lớn của Mỹ để tăng cơ hội đưa hàng Việt vào chuỗi siêu thị của họ.

Bà Amy Nguyen nhắc lại hồi năm rồi đã nhập khẩu trên 40 tấn vải thiều Bắc Giang bằng đường biển với công nghệ bảo quản phù hợp nhất. Do đó, năm nay sẽ tích cực đẩy mạnh, tăng sản lượng nhập khẩu trái vải của tỉnh Bắc Giang để đưa vào mạng lưới siêu thị ở Mỹ.

Còn mới đây, nhân tham dự tọa đàm về đẩy mạnh XK giữa các địa phương Việt Nam với các đối tác Mỹ do Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại thành phố Houston, Texas (Mỹ) tổ chức, ông Brad Morris, Chủ tịch Công ty B.A Moris Inc. USA (nhà nhập khẩu sản phẩm bia của Việt Nam vào Mỹ), cho biết hiện nay sản phẩm Bia Hà Nội được nhập khẩu và bán tại nhiều tiểu bang ở Mỹ, trong các trung tâm phân phối hay siêu thị lớn của Mỹ như Total Wine, SPEC, H.E.B, Hồng Kông...

Theo ông Morris, việc nhập khẩu loại đồ uống có cồn vào Mỹ cần có loại giấy phép đặc biệt; việc bảo quản, các quy trình bán buôn, bán lẻ, sử dụng cũng được các cơ quan nhà nước Mỹ quản lý, giám sát rất chặt chẽ. Vào hai tháng cuối của năm vừa rồi, bản thân Công ty MIB đã nhập khẩu được các lô hàng Bia Hà Nội theo đường biển và đường hàng không khá thành công vào Mỹ để phân phối cho hàng chục đối tác ở đây.  

Ông Brad Morris bày tỏ mong muốn chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Houston, Texas tiếp tục giới thiệu thêm các đối tác, đặc biệt là việc giới thiệu, kết nối với các siêu thị và chợ gốc Châu Á tại địa bàn để bán được ngày càng nhiều sản phẩm bia Việt Nam.

Ngoài ra, có thể kể đến sản phẩm nước tương truyền thống của Việt Nam có nhãn hiệu “con mèo đen” của Công ty TNHH Thực phẩm Quốc tế Nam Dương hồi tháng 3/2024 đã chính thức lên kệ hàng siêu thị ở Mỹ thông qua hợp tác với CTCP Quốc tế LNS. 

Theo chia sẻ của bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, việc XK gia vị của Việt Nam vào thị trường Mỹ là rất tiềm năng. Bởi lẽ thị trường cho cho sản phẩm gia vị Việt Nam tại Mỹ không chỉ có 1,3 triệu người Việt mà còn bao gồm cộng đồng người châu Á. Nhất là hiện nay có đến 80% siêu thị ở Mỹ có khu vực riêng dành cho thực phẩm châu Á.

Hoặc như hồi tháng 1 năm nay CTCP thực phẩm Hữu Nghị đã chính thức XK trực tiếp sản phẩm bánh trứng vào Mỹ thông qua hợp tác cùng đối tác LEE BROS. FOODSERVICE, INC. Đây được xem là dấu mốc của công ty trong việc chinh phục thị trường tiềm năng và khó tính nhất thế giới. Các sản phẩm bánh này đang được bày bán tại trên 200 điểm bán, là các chuỗi siêu thị Châu Á tại Mỹ.

Có thể thấy việc XK hàng Việt vào các siêu thị ở Mỹ như kể trên là rất đáng khích lệ và cần tiếp tục mở lối khơi thông để tiếp tục “tuôn chảy” mạnh mẽ hơn. Bởi vì việc đưa hàng hóa của các doanh nghiệp (DN) thuần Việt vào kênh bán lẻ ở Mỹ không hề đơn giản, nên rất cần nỗ lực nhiều hơn từ bản thân các DN Việt, sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, cơ quan thương vụ và các đối tác, nhà bán lẻ lớn tại Mỹ.

Tránh bất lợi và thêm sự chung tay

Ông Nguyễn Đức Trọng, Trưởng phòng phụ trách phát triển nhà cung ứng mới của Tập đoàn Walmart (Mỹ) tại Việt Nam, bày tỏ hy vọng rằng trong các năm tới số lượng mặt hàng “made in Vietnam” XK trực tiếp sang chuỗi siêu thị Walmart ở Mỹ sẽ ngày càng tăng. 

Như băn khoăn của ông Trọng, hiện nay có khoảng 500 DN tại Việt Nam là nhà cung ứng hàng hóa cho Walmart, thế nhưng trong đó có rất nhiều DN có dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trong khi đó, với các DN thuần Việt cung ứng cho Walmart lại chiếm tỷ trọng không cao và hầu hết họ là những nhà cung ứng thứ cấp.

“Để làm việc trực tiếp với Walmart đòi hỏi các DN Việt phải đáp ứng các yêu cầu ở thị trường Mỹ. Đây là những yêu cầu rất cao cho các DN có chủ là người Việt. Và để đáp ứng được các yêu cầu này, như theo khảo sát của chúng tôi tại Việt Nam trong các năm qua thì thấy rằng có những vấn đề khó khăn của DN trong việc tiếp cận”, ông Trọng nói.

Theo vị trưởng phòng phụ trách phát triển nhà cung ứng mới này, nhiều DN Việt rất muốn trở thành nhà cung ứng cho chuỗi siêu thị của Walmart tại Mỹ nhưng họ lại thiếu khả năng về dịch vụ (service). Dịch vụ ở đây không hẳn chỉ là chất lượng sản phẩm hay dịch vụ giao hàng, mà còn là khả năng tìm hiểu thị trường Mỹ nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng Mỹ.

“Hiện nay các DN Việt đang rất thiếu những nền tảng như nêu trên, cho nên chưa có được điều kiện để làm việc trực tiếp với chúng tôi. Tuy vậy, phía Walmart luôn tạo điều kiện cho các DN Việt có thể làm việc trực tiếp với họ hơn là thông qua các đối tác trung gian”, ông Trọng chia sẻ thêm.

Cũng theo vị trưởng phòng phụ trách phát triển nhà cung ứng mới, hiện nay hàng hóa trong chuỗi siêu thị của Walmart ở Mỹ có xuất xứ từ Việt Nam không phải là nhỏ, nhưng hầu hết những hàng hóa đó đều phải thông qua các công ty thương mại và các đối tác lớn thì mới vào được hệ thống siêu thị. 

Trên thực tế, đây chính là điểm bất lợi chung cho các DN Việt khi đưa hàng hóa vào các siêu thị Mỹ khi thông thường là phải thông qua đối tác trung gian là các công ty thương mại. Điều này khiến cho giá cả hàng Việt có thể đội lên cao khi đến tay người tiêu dùng Mỹ và khó có thể nâng tầm được thương hiệu Việt tại Mỹ.

Do đó, một khi muốn mở lối đưa hàng Việt có thể “tuôn chảy” vào các siêu thị Mỹ đang rất cần thêm sự chung tay của các nhà bán lẻ lớn tại Mỹ nhằm giúp các DN Việt đẩy hàng hóa trực tiếp một cách thuận lợi hơn. Đặc biệt là thông qua các cơ hội làm việc trực tiếp với các nhà bán lẻ lớn của Mỹ thì các DN Việt sẽ nâng cao được khả năng tìm hiểu thị trường, cũng như đáp ứng được yêu cầu khó tính của thị trường Mỹ.


Mai Trang

In bài Share