Hàng Việt chinh phục siêu thị thế giới
Hàng loạt cuộc chung tay của hệ thống siêu thị trong nước, các siêu thị đầu tư nước ngoài đã mang hàng Việt đến kệ siêu thị của nhiều quốc gia phát triển như Pháp, Nhật, Singapore... Sự vào cuộc của 60 thương vụ Việt Nam tại nước ngoài đã chắp thêm cánh để hàng Việt chinh phục kệ siêu thị quốc tế.
Chuỗi sự kiện kết nối cung ứng quốc tế (Viet Nam International Sourcing 2023) do Bộ Công Thương tổ chức cuối năm 2023, được đánh giá là sự kiện lớn và lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam, trong đó có sự “góp mặt” của hàng trăm hệ thống phân phối lớn nhất thế giới. Đặc biệt, chuỗi sự kiện ghi nhận sự vào cuộc chưa từng có của hơn 60 Thương vụ/chi nhánh Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài.
Đại diện Bộ Công Thương cho biết, theo kế hoạch triển khai, các Thương vụ, chi nhánh Thương vụ đã tiến hành quảng bá Viet Nam International Sourcing 2023 rộng rãi tới các nhà nhập khẩu, kênh phân phối, các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài để mời các đoàn thu mua quốc tế tham dự sự kiện với nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với nước sở tại (truyền thông trực tiếp hoặc điện tử, qua các kênh xúc tiến thương mại, networking…).
Và lần đầu tiên, Việt Nam trở thành “điểm tập kết” của những nhà phân phối lớn nhất thế giới như: Walmart, Amazon, Boeing, AES (Hoa Kỳ), Carrefour, Decathlon (Pháp); Aeon, Uniqlo (Nhật Bản)Central Group (Thái Lan); Coppel (Mexico)… Đây là cơ hội tốt để hàng Việt có thêm “cánh” bay thẳng vào các hệ thống phân phối quốc tế.
Vải thiều Việt Nam được người tiêu dùng Nhật Bản ưa thích khi vào hệ thống siêu thị tại Nhật. |
Thực tế, Chính phủ đã có đề án đưa hàng Việt vào hệ thống phân phối quốc tế từ năm 2016. Đó cũng được tính là thời điểm bắt đầu “chu du quốc tế” của hàng Việt với sự vào cuộc của hệ thống siêu thị trong nước, một số siêu thị đầu tư nước ngoài. Trong đó, phải kể đến sự tiên phong của Saigon Co.op với việc hợp tác cùng hợp tác liên doanh với NTUC Fair Price. NTUC Fair Price chuỗi bán lẻ lớn nhất đảo quốc sư tử Singapore, chiếm 62% thị phần với 156 siêu thị lớn và 172 cửa hàng tiện ích.
Chỉ riêng trong năm 2022, 200 - 300 tấn hàng hóa của Việt Nam đã đến thị trường Singapore. Đáng chú ý, tỉ lệ hàng Việt xuất hiện trong chuỗi bán lẻ này trên toàn châu Á đứng ở vị trí thứ 4. Nối tiếp sau Saigon Co.op, những siêu thị quốc tế cũng đã lên kế hoạch đưa hàng Việt vào hệ thống của mình ở nước ngoài như Aeon đặt mục tiêu đạt 1 tỉ USD hàng Việt ra thế giới vào năm 2025.
Sau gần 10 năm hàng Việt vươn mình ra thế giới, tất cả những hệ thống siêu thị lớn nhất thế giới đều đã “cảm thấy hứng thú với hàng Việt” - như lời chia sẻ của ông Christian Merizalde Aguilar - Phụ trách chiến lược kinh doanh của Grupo Merica Food (một doanh nghiệp phân phối có văn phòng chính tại Tây Ban Nha). Hàng loạt “ông lớn” khác đều đưa ra những thông điệp cụ thể về sự lựa chọn hàng Việt cho hệ thống phân phối toàn thế giới của mình. Walmart, Carrefour, Fast Retailing… đều đã “đánh tiếng” sẽ tăng đáng kể tỉ trọng hàng Việt trong hệ thống phân phối của mình.
Để hàng Việt có một hành trình “vươn vai vạn dặm” đến được với gần 200 quốc gia trên toàn thế giới và xuất hiện trên kệ siêu thị của các “ông lớn” phân phối, bên cạnh việc chủ động của các doanh nghiệp, không thể không nhắc đến vai trò “nhà bán hàng” của các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài. Mỗi một thương vụ là một nhà bán hàng, chính sự hiểu biết về thị trường, về tập quán của quốc gia sở tại của Thương vụ Việt Nam đã rút ngắn hơn hành trình ra thế giới của hàng Việt. |
Đề cập vấn đề này, theo ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương), đến nay, Bộ đã xây dựng được mạng lưới các đối tác cho hàng Việt là các hệ thống phân phối, bán lẻ ở khắp các địa bàn xuất khẩu chủ lực, cả các hệ thống bán hàng trực tuyến xuyên biên giới. Nếu như trong thời gian đầu, chỉ có một số kênh phân phối của châu Âu, thì đến nay, các đối tác đã được trải dài tại châu Á, châu Âu và châu Mỹ.
Điển hình như khu vực châu Á có Central Group, Mega Market (Thái Lan), Aeon (Nhật Bản), Robinson (Philippines), Emart, Lotte (Hàn Quốc), FairPrice (Singapore), Lulu (UAE)... Tại khu vực châu Âu, có kênh phân phối lớn của Pháp như Carrefour, E.Leclerc, Casino, Decathlon, ở Italia có Conad, CoopItalia, ở Cộng hòa Séc có Makro... Khu vực châu Mỹ, cũng đã vào các hệ thống phân phối lớn như: Walmart, Amazon, Cotsco (Mỹ), Coppel (Mexico).
Bà Hoàng Thị Liên - Chủ tịch Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam, cho biết, hồ tiêu hiện vẫn xuất khẩu sản phẩm thô. Tuy nhiên, chiến lược xuất khẩu của hiệp hội là tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu thô nhưng cũng muốn tham gia vào hệ thống bán lẻ của các thị trường như châu Âu (Pháp, Bỉ…), Hoa Kỳ, và các thị trường Đông Âu. Doanh nghiệp hồ tiêu đã tiếp xúc với rất nhiều nhà mua lớn như Decathlon, Carrefour. Và hiện cũng đang chủ động thâm nhập vào các hệ thống bán lẻ khác dưới hình thức làm cung ứng sản phẩm và sản xuất theo đơn đặt hàng của đơn vị đối tác.
Ví dụ như hiện nay, nhiều hội viên đang bắt đầu chiến lược thâm nhập vào hệ thống bán lẻ, gia công sản phẩm cho nhiều nhà bán lẻ ở Australia và Mỹ. Hầu hết doanh nghiệp đều phải trải qua quá trình sản xuất khoảng 4 - 6 tháng để xem chất lượng có đáp ứng được yêu cầu của nhà cung ứng không, có tạo được độ tin cậy với nhà mua hàng để họ tiến hành đặt mua, cam kết hợp tác lâu dài hay không. Hiện sản phẩm hồ tiêu Việt Nam đều đạt chất lượng sạch, an toàn đáp ứng được tiêu chuẩn, yêu cầu của châu Âu. Mỗi tháng có thể xuất khẩu 2 container 40 feet gia vị cho thị trường Hoa Kỳ, châu Âu.
Mai Trang