Doanh nghiệp ngành hàng dệt may Việt nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị quốc tế
Các doanh nghiệp dệt may, da giày phải đáp ứng, thích nghi với xu hướng thu mua của các kênh phân phối quốc tế và có chiến lược cạnh tranh lâu dài.
Cải thiện năng lực sản xuất
Trước sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu tương đối lớn của các thị trường chủ lực, ông Đỗ Mạnh Quyền - Trưởng chi nhánh Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Houston, Hoa Kỳ cho rằng, doanh nghiệp ngành hàng cần tìm kênh phân phối lớn, cần tìm đến các thị trường ngách để xuất khẩu, đồng thời, nên tìm đến các hoạt động xúc tiến thương mại để ký kết hợp đồng tư vấn và có cơ hội giải quyết hàng tồn kho, hàng lẻ.
Đối với ngành dệt may, theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), trong 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam chỉ đạt 18,6 tỷ USD, giảm 17,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2023 sang các thị trường lớn hầu hết đều giảm: Hoa Kỳ giảm 27,1%; EU giảm 6,2%; Hàn Quốc giảm 2%; Canada giảm 10,9%,… riêng Nhật Bản tăng 6,6%.
Tại thị trường Nhật Bản, ông Shiotani Yuichiro - Tổng giám đốc Aeon TopValu Việt Nam - cho biết, so với 30 năm trước đây, quy mô ngành may mặc Nhật Bản đã thu hẹp hơn một nửa. Tuy nhiên, sau đại dịch Covid-19, nhóm đồ may mặc trong nhà và sản phẩm phục vụ hoạt động ngoài trời, du lịch có mức tăng trưởng ấn tượng, qua đó góp phần phục hồi quy mô thị trường, tiến dần đến mức tương đương năm 2019.
Tham gia chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp dệt may phải chuẩn bị một cách bài bản. Ảnh: Cấn Dũng |
Ông Shiotani Yuichiro cho rằng, đặc trưng thị trường Nhật Bản những năm gần đây là nhận thức của người tiêu dùng về Các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) đang ngày càng được nâng cao. Các sản phẩm may mặc tái chế (recycle), tái sử dụng (re-use), sửa chữa lại (repair) đang rất sôi động và hiện đang tăng trưởng ở mức 135% so với thời điểm 10 năm trước.
Do vậy, theo ông Shiotani Yuichiro, Aeon đang rất chú trọng vào những sản phẩm may mặc có tính năng tích hợp, ví dụ như chống tia UV, chống thấm nước... Aeon cũng nắm bắt xu hướng đối với sản phẩm làm từ bông hữu cơ, polyester tái chế để áp dụng vào các sản phẩm của mình và mong muốn tìm kiếm nhiều hơn nữa các đối tác cùng tầm nhìn trên tại Việt Nam.
Theo đại diện Aeon, để có thể trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho các cửa hàng của Aeon thì chỉ đơn giản là đáp ứng được nhu cầu của khách hàng và sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng theo tiêu chuẩn của thế giới. Tuy nhiên, Aeon cũng có những quy định riêng về quy trình sản xuất, phương thức quản lý, xây dựng dựa trên phản ánh của khách hàng về nhu cầu khi tới mua sắm tại hệ thống cửa hàng Aeon. Về giá cả, Aeon cũng cân nhắc để làm thế nào có thể mang đến cho khách hàng mức giá tương xứng với chất lượng sản phẩm.
Sản phẩm may mặc có khả năng cạnh tranh là sản phẩm đến từ quy trình sản xuất tích hợp. Thực tế ngành dệt may cho thấy rất khó để cải thiện khả năng cạnh tranh thông qua phát triển theo chiều rộng để tăng số lượng đơn vị sản xuất hoặc hạ giá thành sản phẩm. “Trong lĩnh vực dệt may tại Nhật Bản, các nhà máy vận hành theo mô hình dây chuyền lao động đã bị đóng cửa hoàn toàn và hiện nay chỉ còn lại các nhà máy sản xuất tích hợp. Đây là bài học mà ngành dệt may Nhật Bản đã đúc rút ra từ nhiều năm trước” - Ông Shiotani Yuichiro thông tin.
Theo ông Shiotani Yuichiro, một trong những điều kiện tiên quyết để ngành dệt may Việt Nam bắt kịp trình độ thế giới và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu đó là cải thiện năng lực sản xuất vải.
Cho đến nay, đa số doanh nghiệp trong nước phải nhập khẩu vải và chỉ thực hiện công đoạn gia công xuất khẩu. Đối với sản phẩm may mặc, chi phí vải có thể chiếm đến 70-80% giá trị thành phẩm, do vậy lợi thế cạnh tranh giữa các cơ sở gia công là giá nhân công. Tuy nhiên, hiện nay chi phí nhân công tại Việt Nam lại cao hơn các nước lân cận, trong khi năng suất lại không cao hơn. Vì vậy, nếu phải nhập khẩu vải và thực hiện gia công đơn giản, khi chi phí phân phối tăng, doanh nghiệp trong nước sẽ gặp rất nhiều áp lực khi so sánh với các quốc gia cạnh tranh như Campuchia, Myanmar, Bangladesh, Ấn Độ. Để cải thiện năng lực cạnh tranh, điều cần thiết nhất trong thời gian tới là phải dần tự chủ ngành sản xuất vải.
Tăng cường xúc tiến thương mại
Ông Nguyễn Đức Trọng - Trưởng phòng cấp cao - phát triển nhà cung ứng khu vực châu Á của Walmart (Mỹ) cho biết, Việt Nam là một thị trường mua hàng chính của tập đoàn tại Đông Nam Á và Đông Á. Tập đoàn Walmart sẽ tập trung thu mua sản phẩm thuộc 6 ngành hàng chính tại Việt Nam, bao gồm: quần áo và phụ kiện; giày dép; hàng dệt may và phụ kiện; điện tử gia dụng, đồ nội thất; thực phẩm và hàng tiêu dùng.
"Để tham gia chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp Việt cần đáp ứng những yếu tố quan trọng nhất khi đánh giá nhà cung cấp tại Việt Nam như: năng lực, khả năng cung ứng, sự ổn định về tài chính, phát triển bền vững và tuân thủ cam kết về môi trường" - đại diện tập đoàn bán lẻ Mỹ cũng lưu ý.
Trong khi đó, đại diện của Amazon tại Việt Nam cho rằng, để khai phá sức mạnh cho hàng hoá Việt Nam xuất khẩu, doanh nghiệp cần tập trung xây dựng thương hiệu và biết cách kể câu chuyện sản phẩm bằng câu chuyện thương hiệu.
Về cơ hội cho doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp toàn cầu, bà Phan Thị Thanh Xuân - Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, doanh nghiệp trong nước vẫn đang chào bán những sản phẩm đang có chứ không phải là sản phẩm thị trường cần. "Đây là vấn đề nan giải đã được các chuyên gia khuyến cáo nhưng doanh nghiệp da giày Việt Nam chưa cải thiện nhiều và vấn đề mấu chốt là thiếu thông tin thị trường. Bản thân các nhà mua hàng cũng không ít lần “nhắc nhở” doanh nghiệp da giày Việt Nam cần phải biết người mua hàng của mình là ai để lựa chọn thông tin gửi đi đủ sức gây ấn tượng" - bà Xuân cho hay.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp dệt may vượt qua thách thức, tận dụng được những cơ hội tiến sâu vào các thị trường, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đề nghị các hiệp hội, ngành hàng chủ động hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp trong xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh, xúc tiến thương mại phù hợp với nhu cầu và năng lực của mỗi đơn vị, chủ động chuyển đổi sản xuất, kinh doanh phù hợp với xu hướng thị trường.
Đặc biệt, chuyển đổi xuất khẩu xanh, bền vững; tập trung cung cấp thông tin về hoạt động của doanh nghiệp, trao đổi kịp thời với các đơn vị thuộc Bộ Công Thương và các Bộ ngành liên quan, các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để phân phối thực hiện có hiệu quả.
Đối với các doanh nghiệp dệt may Việt Nam, các doanh nghiệp cần tuân thủ nghiêm túc, đầy đủ quy định, chính sách của Nhà nước, hướng dẫn của Bộ, ngành trong tổ chức sản xuất kinh doanh và hoạt động xuất nhập khẩu, bảo đảm truy xuất nguồn gốc và quy trình, quy định, yêu cầu, điều kiện của các thị trường ngoài nước.
Bộ Công Thương sẽ tăng cường phối hợp với các vụ thị trường ngoài nước, các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài thường xuyên cập nhật, kịp thời cung cấp thông tin và dự báo xu hướng thị trường, tổ chức có hiệu quả công tác tư vấn, xúc tiến thương mại cho các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hoạt động xúc tiến thương mại hiệu quả.
Từ ngày 13-15/9/2023, Bộ Công Thương chủ trì tổ chức Chuỗi sự kiện "Kết nối chuỗi cung ứng hàng hoá quốc tế" - Viet Nam International Sourcing 2023 tại Trung tâm Hội chợ triển lãm Sài Gòn (SECC), TP. Hồ Chí Minh. Chuỗi sự kiện "Kết nối chuỗi cung ứng hàng hoá quốc tế" - Viet Nam International Sourcing 2023 được tổ chức nhằm hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp trong nỗ lực tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, thích ứng với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, cũng như thúc đẩy kết nối giữa các kênh phân phối, nhà nhập khẩu nước ngoài với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trong nước. |
Thái Sơn