Diễn đàn Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ 2023: Intel cam kết và nhất quán trong chiến lược phát triển tại Việt Nam
“Chúng tôi cam kết và nhất quán trong chiến lược phát triển này. Chắc chắn con số kim ngạch xuất khẩu của Intel tại Việt Nam sẽ còn tăng hơn nữa”, Giám đốc Tài chính Tập đoàn Intel Việt Nam.
Phát biểu trên là của ông Ace Wilson, Tập đoàn Intel, Giám đốc Tài chính Tập đoàn Intel Việt Nam tại Diễn đàn Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ năm 2023 với chủ đề “Nâng tầm – Khởi động” diễn ra sáng 21/11. Đây là diễn đàn do Bộ Công thương Việt Nam phối hợp với Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam, chính quyền các Bang Oregon và Colorado (Hoa Kỳ) tổ chức. Diễn đàn thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ là hoạt động thường niên do Bộ Công thương Việt Nam phối hợp cùng nhiều đơn vị, tổ chức quốc tế thực hiện.
Chia sẻ tại diễn đàn, trong phiên thảo luận đầu tiên với chủ đề “Quan hệ Kinh tế, Thương mại và Đầu tư giữa Việt Nam và các bang của Hoa Kỳ”, ông Ace Wilson, Tập đoàn Intel, Giám đốc Tài chính Tập đoàn Intel Việt Nam cho biết: Chúng tôi cam kết và nhất quán trong chiến lược phát triển tại Việt Nam.
Ông Ace Wilson, Tập đoàn Intel, Giám đốc Tài chính Tập đoàn Intel Việt Nam
Theo ông Wilson, Intel đã khởi đầu ở Bang Oregon – gần 47 năm. Tại Việt Nam Intel có cơ sở sản xuất ở Khu công nghệ cao, TP. Thủ Đức, TP. HCM. Intel bắt đầu đầu tư vào Việt Nam từ năm 2006, đến 2010 Intel có nhà máy quy lớn. Đến nay, Intel đã đầu tư 1,5 tỷ USD vào Việt Nam.
Từ năm 2010, các nhà máy ở Việt Nam đã sản xuất xuất khẩu giá trị 80 tỷ USD. Năm 2023 dự báo kim ngạch xuất khẩu của Intel tại Việt Nam sẽ đạt khoảng 10-11 tỷ USD (dựa trên số liệu 3 quý đầu năm đã đạt được 8-9 tỷ USD). Hiện nay, có đến 70% sản lượng chip Intel phục vụ trong khu vực được sản xuất ở Việt Nam.
“Chúng tôi cam kết và nhất quán trong chiến lược phát triển này. Chắc chắn con số kim ngạch xuất khẩu của Intel tại Việt Nam sẽ còn tăng hơn nữa”, Giám đốc Tài chính Tập đoàn Intel Việt Nam.
Trả lời câu hỏi của báo giới và khách tham dự, liên quan đến vấn đề mở rộng đầu tư trong thời gian tới, đại diện Intel cho biết: Tập đoàn Intel đã ở Việt Nam 16-17 năm, và tiếp tục có những cam kết đầu tư vào thị trường Việt Nam. Quyết định đầu tư nhà máy thử nghiệm ở nơi khác (quốc gia khác) của Intel liên quan đến mảng khác.
Hoa Kỳ dành 240 triệu USD thúc đẩy phát triển hệ sinh thái chất bán dẫn
Liên quan đến phát triển lĩnh vực bán dẫn, ông Daniel Nguyen, Phó Chủ tịch Ủy ban về Phát triển Kinh tế và Doanh nghiệp nhỏ, Thành viên Ủy ban bán dẫn Hạ viện bang Oregon chia sẻ, Việt Nam có nhiều tiềm năng, cơ hội để phát triển chất bán dẫn. Hiện Hoa Kỳ đã rà soát lại khung pháp lý của Việt Nam và đã dành khoản đầu tư 240 triệu USD để thúc đẩy phát triển hệ sinh thái chất bán dẫn. Trong đó, Hoa Kỳ đã dành riêng 40 triệu USD đầu tư vào dự án mới liên quan đến lĩnh vực này. Do vậy, Việt Nam cần tận dụng nguồn lực để phát triển công nghiệp bán dẫn của mình.
Theo ông Daniel Nguyen, Việt Nam cần sớm có khung pháp lý thúc đẩy phát triển công nghiệp bán dẫn, huy động nguồn lực tư nhân, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn.
Cũng tại diễn đàn ông Nguyễn Vinh Quang, Giám đốc Điều hành FPT Semiconductor, Tập đoàn FPT cho biết, Hội đồng quản trị đã đưa ra chiến lược chung cho Tập đoàn trong đó, FPT sẽ tập trung vào phát triển các lĩnh vực công nghệ cao. Tại thị trường Mỹ tập trung vào AI và Chip nguồn. Đến hiện tại FPT đã mua lại 2 công ty tại Hoa Kỳ; về đầu tư FPT đã hợp tác chiến lược với Landing AI để phát triển mảng AI. Liên quan đến chất bán dẫn FPT cũng đã có những bước phát triển tại Mỹ.
Riêng với dòng chip nguồn, FPT tham vọng trở thành nhà cung cấp dòng chip nguồn tại Hoa Kỳ cũng như Việt Nam. Trong tập đoàn FPT có 2 mảng: Thiết kế sản xuất và Giáo dục. Đối với mảng giáo dục, FPT hợp tác với các trường đại học tại Mỹ, Đài Loan, thậm chí Hàn Quốc, Nhật Bản. FPT xây dựng khung chương trình giáo dục nguồn nhân lực theo chuẩn Hoa Kỳ. Ước tính đến năm 2030 Tập đoàn FPT sẽ cung cấp ra thị trường 15.000 kỹ sư không chỉ cho thị trường Việt Nam mà có khả năng làm việc trên toàn cầu.
Hữu Hưng