Để hàng thời trang, nội thất và gia dụng Việt Nam tiếp cận sâu hơn vào hệ thống phân phối quốc tế?
Để duy trì đà tăng trưởng ổn định và tìm kiếm các cơ hội xâm nhập sâu hơn vào các hệ thống phân phối lớn toàn cầu, doanh nghiệp ngành hàng thời trang, nội thất, đồ gia dụng đòi hỏi phải liên tục thay đổi mẫu mã phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, và chủ động, có chiến lược rõ ràng trong việc nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới.
Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị quốc tế với chủ đề “Thúc đẩy đà phục hồi xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm - Cơ hội đưa hàng thời trang, nội thất và gia dụng Việt Nam vào hệ thống phân phối quốc tế” tổ chức ngày 6/6/2024 tại TP. Hồ Chí Minh.
Hội thảo này là một trong số nhiều hoạt động trong khuôn khổ Chuỗi sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế 2024” (Viet Nam International Sourcing 2024) do Bộ Công Thương phối hợp với UBND Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức từ ngày 6-8/6/2024 tại Trung tâm Triển lãm và Hội nghị Sài Gòn (SECC). Hội thảo chuyên đề này nhằm mục đích cung cấp thông tin cập nhật, nhận định chuyên sâu về những thay đổi trong nhu cầu, thị hiếu, xu hướng tiêu thụ; xu thế phát triển, chuyển đổi của nhóm ngành thời trang, nội thất và gia dụng tại một số thị trường xuất khẩu trọng điểm; cũng như những khuyến nghị cụ thể để doanh nghiệp nội địa tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, cũng như thích ứng tốt hơn với các tiêu chuẩn mới về phát triển bền vững. Bên cạnh đó, doanh nghiệp tham gia hội thảo có cơ hội gặp gỡ, trao đổi và chia sẻ với các Nhà thu mua nước ngoài nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác, đưa hàng thời trang, nội thất và gia dụng của Việt Nam tiếp cận sâu hơn vào hệ thống phân phối quy mô lớn của nước ngoài.
Thị trường xuất khẩu ngày càng khắt khe
Phát biểu tại hội thảo, ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ, Bộ Công Thương cho biết, về tổng thể, kim ngạch xuất khẩu nhóm mặt hàng thời trang, nội thất và đồ gia dụng của Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng đầy ấn tượng trong những năm qua. Nhóm ngành hàng này đóng góp không nhỏ vào tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ra thị trường quốc tế, tạo dựng vị thế vững chắc và tham gia ngày càng sâu vào chuỗi cung ứng hiện đại toàn cầu.
Mặc dù gặp khó khăn chưa từng có tiền lệ trong giai đoạn hậu COVID-19 khiến kim ngạch xuất khẩu sụt giảm, tuy nhiên từ đầu năm 2024, nhóm ngành hàng này đã đón nhận sự khởi đầu khá tích cực. Nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm dần phục hồi báo hiệu triển vọng khả quan cho hàng thời trang, nội thất và gia dụng trong thời gian tới.
ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ phát biểu
Tuy nhiên theo ông Tạ Hoàng Linh, nhiều hạn chế nội tại và những quy định ngày càng khắt khe từ thị trường xuất khẩu đang đặt ra thách thức không nhỏ cho doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam. Theo đó, khách hàng, đối tác yêu cầu ngày càng cao liên quan đến xanh hóa chuỗi sản xuất và cung ứng, các tiêu chí phát triển bền vững, sản xuất tuần hoàn.
“Để duy trì đà tăng trưởng ổn định và tìm kiếm các cơ hội xâm nhập sâu hơn, đa dạng hơn vào các hệ thống phân phối lớn toàn cầu, doanh nghiệp Việt Nam không thể đi ngược xu hướng kinh tế xanh, bền vững. Bên cạnh đó, với đặc thù ngành hàng thời trang, nội thất, đồ gia dụng đòi hỏi phải liên tục thay đổi mẫu mã phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, doanh nghiệp cần chủ động, có chiến lược rõ ràng trong việc nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới”- ông Tạ Hoàng Linh khuyến nghị.
Nhận định nhóm ngành thời trang, nội thất và đồ gia dụng của Việt Nam nói chung và Tp. Hồ Chí Minh nói riêng vẫn có nhiều lợi thế xuất khẩu, đặc biệt là về chất lượng sản phẩm, trình độ kỹ thuật, khả năng đáp ứng các yêu cầu khắt khe về lao động, môi trường, nhất là các ưu đãi thuế quan của từng thị trường, tuy nhiên theo ông Trần Phú Lữ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh, việc xuất khẩu của ngành này phải đối diện với những khó khăn thách thức, như hạn chế về tài chính và nhân lực khiến việc cạnh tranh với các thương hiệu lớn trên thế giới trở nên khó khăn; khó khăn trong xây dựng và duy trì thương hiệu đòi hỏi nhiều chi phí và thời gian đầu tư; phụ thuộc bị động vào chuỗi cung ứng.
Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu thế giới thay đổi nhanh chóng đòi hỏi các doanh nghiệp của ngành phải thích ứng liên tục để không bị tụt hậu so với các đối thủ cạnh tranh; và việc đáp ứng tiêu chuẩn xanh hoá, đặc biệt là tiêu chuẩn của Liên minh châu ÂU (EU) đòi hỏi doanh nghiệp phải tạo ra môi trường sản xuất và cung ứng xanh hơn, tuân thủ tiêu chuẩn về bền vững đối với các sản phẩm công nghiệp.
Là 1 trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, ông Trần Như Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng cho rằng, áp lực lớn của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam hiện nay chính là chuyển đổi sang sản xuất xanh. Các đối tác hiện đã yêu cầu các nhà máy phải sử dụng năng lượng sạch, có cam kết lộ trình và hành động cụ thể cho chuyển đổi sản xuất bền vững chứ không còn là khuyến nghị.
Hiện nay, tất cả các khách hàng, đặc biệt là châu Âu đã ban hành nhiều chính sách siết chặt hoạt động sản xuất xanh và doanh nghiệp phải đáp ứng các tiêu chí này thì mới nhận được đơn đặt hàng. Theo chia sẻ của ông Trần Như Tùng, nhiều nhà nhập khẩu yêu cầu doanh nghiệp phải sử dụng năng lượng sạch hoàn toàn, có nghĩa doanh nghiệp phải sử dụng năng lượng mặt trời 100%. Việc này gây ra rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp khi nguồn năng lượng sạch không đủ sử dụng.
Xanh hóa sản xuất và xây dựng chuỗi cung ứng bền vững
Trước những khó khăn thách thức đó, ông Trần Phú Lữ cho rằng, điều này đòi hỏi các doanh nghiệp thời trang, nội thất, gia dụng cần phải cần định hình lại quy trình sản xuất và đầu tư vào công nghệ xanh để tối ưu hóa quy trình sản xuất và giảm thiểu lượng chất thải. Ngoài ra, việc xây dựng một chuỗi cung ứng bền vững cũng đóng vai trò quan trọng. Các doanh nghiệp cần hợp tác chặt chẽ với các nhà cung ứng để đảm bảo rằng nguyên liệu và sản phẩm được sản xuất và vận chuyển một cách bền vững và hiệu quả.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thời trang, nội thất, gia dụng cũng cần chủ động đầu tư, áp dụng chuyển đổi số và sáng tạo công nghệ vào sản xuất và quản lý. Từ đó tạo ra các cơ hội tiếp cận các thị trường quốc tế.
Song song đó, với những đặc điểm của thị trường trong giai đoạn tới, các doanh nghiệp ngành Thời trang, nội thất và gia dụng cần xây dựng một số phương án để ứng phó, linh hoạt trong sản xuất và điều hành, bám sát thị trường, đối tác để có những dự báo, xây dựng phương án cho sản xuất, duy trì hoạt động của doanh nghiệp, linh hoạt trong chuyển đổi mặt hàng theo nhu cầu của thị trường, nhất là các thị trường mới tiềm năng.
Đối với ngành dệt may, cạnh tranh trong ngành dệt may là rất lớn, để phát triển đường dài, theo ông Trần Như Tùng, doanh nghiệp Việt Nam phải tập trung tạo nên những sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn. Để làm được điều đó, doanh nghiệp cần đầu tư máy móc thiết bị để tăng năng suất, chất lượng; đa dạng hoá sản phẩm và đa dạng hoá thị trường.
Cũng tại hội thảo, nhiều chuyên gia, diễn giả kinh nghiệm, có chuyên môn cao và góc nhìn đa dạng từ Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (Eurocham), Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Tp.HCM (HAWA), cũng như đại diện một số tập đoàn phân phối lớn của nước ngoài trong ngành hàng thời trang, nội thất và gia dụng tham dự Hội thảo và chia sẻ góc nhìn đa chiều, bao trùm các lĩnh vực nổi bật, được doanh nghiệp đặc biệt quan tâm khi tham gia vào chuỗi cung ứng quốc tế.
Việt Thành