Đa dạng hóa các hoạt động xúc tiến thương mại giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc trong năm 2024

06.11.2024

Việt Nam và Cộng hòa Séc (Séc) có quan hệ hữu nghị truyền thống hơn 70 năm, Séc là một trong những quốc gia đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, đồng thời cũng là một trong những quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đầu tiên phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA).

Năm 2022, hai bên đã tổ chức thành công Khóa họp lần thứ VII - Uỷ ban liên Chính phủ Việt Nam - Cộng hòa Séc về hợp tác kinh tế tại Thủ đô Praha, sự kiện này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong thúc đẩy hợp tác giữa hai nước. Mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19 song quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước cho đến nay vẫn luôn bền chặt, đạt được nhiều kết quả ấn tượng.

Ngày nay, nền kinh tế Việt Nam và Cộng hòa Séc đang phát triển mạnh mẽ với nhịp độ cao, hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu, đây chính là cơ hội và điều kiện để hai nước đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hợp tác song phương. Về thương mại, kim ngạch thương mại song phương tăng trưởng đều đặn qua các năm, đặt biệt là sau hai năm thực thi Hiệp định EVFTA. Séc luôn coi trọng việc củng cố và phát triển quan hệ hợp tác với Việt Nam, đánh giá đây là đối tác quan trọng nhất của Séc tại khu vực Đông Nam Á; trong khi đó Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn mong muốn hai nước sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong hợp tác về thương mại, tạo điều kiện để doanh nghiệp hai ben mở rộng hợp tác đầu tư - kinh doanh. Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam và Cộng hòa Séc không cạnh tranh nhiều mà chủ yếu mang tính bổ trợ cho nhau, Séc coi Việt Nam là một trong những đối tác ưu tiên về hợp tác kinh tế ngoài khu vực EU.

Về đầu tư, theo số liệu từ Bộ Kế hoạch Đầu tư, tính đến tháng 6/2024, Cộng hòa Séc có 41 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký đạt 92,38 triệu USD, tập trung chủ yếu vào các ngành chế biến, chế tạo, khai khoáng. Các lĩnh vực hợp tác đầu tư có thế mạnh của Séc là năng lượng, đầu máy - toa xe lửa, tàu điện, máy móc nông nghiệp ...

Tốp 10 nguồn cung hàng hóa lớn nhất của Cộng hòa Séc trong 4 tháng đầu năm 2024
ĐVT: %

Nguồn: Trademap

Trong 4 tháng đầu năm 2024, Việt Nam nằm trong tốp 20 thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất sang Cộng hòa Séc, xếp thứ nhất tại khu vực Đông Nam Á và đứng ở vị trí thứ 6 tại châu Á (sau Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Đài Loan).

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong năm 2023, tổng kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Cộng hòa Séc đạt 1,13 tỷ USD, tăng đáng kể 36,70% so với năm 2022; trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 958,05 triệu USD, tăng mạnh 43,17% so với năm 2022; kim ngạch nhập khẩu đạt 176,51 triệu USD USD, tăng 9,8%. Nhìn chung, trong giai đoạn 2019 – 2023, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc ghi nhận đà tăng đều đặn qua các năm.

Kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Cộng hòa Séc trong giai đoạn 2019 – 2023 và tốc độ tăng trưởng so với năm liền trước

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Theo số liệu từ Trading Economics, tốc độ tăng trưởng GDP của Cộng hòa Séc tăng 0,2% theo quý trong quý I/2024, thấp hơn ước tính ban đầu là 0,3% và thấp hơn mức tăng trưởng 0,3% đã được điều chỉnh giảm trong quý liền trước. Tỷ lệ lạm phát hàng năm tại Cộng hòa Séc tiếp tục giảm xuống 2% vào tháng 6/2024, từ mức 2,6% của tháng 5 và thấp hơn kỳ vọng của thị trường là 2,5%. Đây cũng là mức giảm thấp nhất kể từ tháng 3, chủ yếu là do giá một số mặt hàng như thực phẩm, đồ uống không cồn, dịch vụ giao thông, giải trí … giảm rõ rệt so với quý trước.

Năm 2023 được xem là một năm nhiều khó khăn với Cộng hòa Séc khi nước này phải đối mặt với tình trạng suy thoái nghiêm trọng. Trong các tháng cuối năm, nền kinh tế Séc có dấu hiệu hồi phục nhưng vẫn phải vật lộn với những khó khăn từ ảnh hưởng bởi hậu COVID-19 và xung đột ở Ukraine. Tuy nhiên, hoạt động giao thương hàng hóa giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc vẫn duy trì sự ổn định chủ yếu là do Chính phủ và doanh nghiệp hai nước rất nỗ lực trong việc triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại; đồng thời những thuận lợi từ Hiệp định EVFTA cũng mang lại nhiều cơ hội hợp tác tiềm năng cho doanh nghiệp hai bên.

Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Cộng hòa Séc trong giai đoạn 2013 – 2023

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Kể từ sau khi nâng cấp quan hệ lên tầm Đối tác Chiến lược Toàn diện, tình hình xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Cộng hòa Séc có nhiều khởi sắc, chủ yếu ghi nhận đà tăng qua các năm. Tuy nhiên, năm 2022, do chịu tác động từ xung đột chính trị tại một số khu vực trên toàn cầu nên xuất khẩu hàng hóa sang quốc gia này bị ảnh hưởng tiêu cực, giảm rất mạnh so với năm 2021, chỉ đạt 1,56 tỷ USD; đến năm 2023, xuất khẩu hàng hóa sang Cộng hòa Séc ghi nhận sự phục hồi nhẹ, tăng 12,18% so với năm 2022, đạt 1,75 tỷ USD. 

Trong thời gian qua, Thương vụ Việt Nam tại Cộng hòa Séc đã triển khai hoạt động kết nối cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng nông sản như gừng, bưởi, rau quả vào các chuỗi siêu thị của Cộng hòa Séc. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn gặp khó khăn trong khâu cung ứng hàng hóa với số lượng lớn, ổn định và dài hạn cho các đối tác. Do đó, để có thể xuất khẩu sang thị trường Cộng hòa Séc một cách hiệu quả và chất lượng hơn, các doanh nghiệp Việt Nam cần có chiến lược cụ thể, nhanh chóng xây dựng hệ thống cung ứng hàng tại nước sở tại để cung cấp cho các chuỗi siêu thị, cửa hàng lớn.

 

Trong tháng 6/2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang   Cộng hòa Séc đạt 131,28 triệu USD, tăng 23,45% so với tháng trước đó và tăng rất mạnh 100,69% so với tháng cùng kỳ năm 2023; tính riêng 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này ghi nhận mức tăng đáng kể so với 6 tháng đầu năm 2023 là 66,55%, đạt 661,06 triệu USD. Trong đó, ba mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch cao nhất là Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác (chiếm tỷ trọng 44,73%); Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (chiếm tỷ trọng 34,95%) và Giày dép các loại (chiếm tỷ trọng 7,14%).

Trong thời gian gần đây, Việt Nam và Cộng hòa Séc đang đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp. Mặc dù có nhiều điều kiện hợp tác song kim ngạch xuất khẩu hai chiều của ngành nông nghiệp còn chiếm tỷ trọng tương đối nhỏ trong kim ngạch chung. Việt Nam mong muốn thâm nhập sâu hơn vào thị trường Cộng hòa Séc và đặc biệt quan tâm đến các ngành truyền thống của nước này như sản xuất bia, thịt, rượu mạnh, bánh kẹo, công nghệ nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm, công nghệ chăn nuôi và chế phẩm trong ngành thú y. Do vậy, trong thời gian tới Việt Nam có thể hỗ trợ Cộng hòa Séc xuất khẩu các sản phẩm thịt và hai bên sớm đi đến thỏa thuận thống nhất về yêu cầu thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm từ Cộng hòa Séc.

Trong lĩnh vực trồng trọt, Cộng hòa Séc sở hữu công ty uy tín hàng đầu thế giới về xuất khẩu hạt giống cỏ, rau xanh, giống cây trồng mới, đem lại lợi nhuận cao cho người trồng. Đây là lĩnh vực mà Cộng hòa Séc mong muốn thúc đẩy hợp tác với Việt Nam.

Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng của Việt Nam sang Cộng hòa Séc trong tháng 6/2024 và 6 tháng đầu năm 2024
(ĐVT: Nghìn USD/phần trăm)

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Trong tháng 6/2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ Cộng hòa Séc đạt 13,98 triệu USD, giảm 18,32% so với tháng trước đó và giảm đáng kể 25,42% so với tháng cùng kỳ năm 2023; tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch nhập khẩu từ thị trường này ghi nhận mức tăng là 23,13% so với 6 tháng đầu năm 2023, đạt 103,46 triệu USD. Trong đó, ba mặt hàng nhập khẩu có kim ngạch cao nhất là Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác (chiếm tỷ trọng 36,89%); Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (chiếm tỷ trọng 11,61%) và Hóa chất (chiếm tỷ trọng 2,36%).

 Kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng của Việt Nam từ Cộng hòa Séc trong tháng 6/2024 và 6 tháng đầu năm 2024
(ĐVT: Nghìn USD/phần trăm)

Nguồn: Tổng cục Hải quan

 

Trong những năm qua, công tác kết nối, xúc tiến thương mại vào thị trường Cộng hòa Séc luôn được các cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp chú trọng:

Quan hệ hợp tác Việt Nam - Cộng hòa Séc - Nguồn ảnh: Vietnam+ (TTXVN)

          Ngày 20/02/2023, tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã có buổi tiếp và làm việc với ông Jozef Sileka, Bộ trưởng Bộ Công Thương Cộng hòa Séc và đoàn doanh nghiệp Séc tháp tùng đến Việt Nam. Tại buổi làm việc, hai bên đã trao đổi về tình hình chung trong hợp tác kinh tế - thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết Việt Nam và Cộng hòa Séc có quan hệ hữu nghị truyền thống, gắn bó từ nhiều thập kỷ qua; hiện nay, hai cơ chế quan trọng cần đẩy mạnh khai thác để thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nước trong thời gian tới đó là Uỷ ban liên Chính phủ Việt Nam - CH Séc về hợp tác kinh tế; Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA). Về phía Cộng hòa Séc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Séc - Jozef Sileka nhất trí với những chia sẻ của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, đồng thời nhấn mạnh Việt Nam vừa là bạn, vừa là đối tác quan trọng của Cộng hòa Séc. Do đó phía Cộng hòa Séc mong muốn hai nước cần tăng cường hợp tác hơn nữa trong lĩnh vực thương mại, công nghiệp và đầu tư.

            Tháng 4/2023, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Cộng hòa Séc được tổ chức. Tại cuộc hội đàm, hai Thủ tướng Việt Nam và Cộng hòa Séc đã nhất trí nhiều nội dung quan trọng để tăng cường hiệu quả, thực chất hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước thời gian tới; trong đó có việc tạo điều kiện cho hàng hóa hai nước tiếp cận ngày càng nhiều hơn vào thị trường của nhau; phấn đấu đưa kim ngạch thương mại tăng mạnh hơn trong 1-2 năm tới. Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Cộng hòa Séc chứng kiến lễ ký kết hợp tác giữa cơ quan, doanh nghiệp hai nước như thỏa thuận hợp tác giữa Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Phòng Thương mại Cộng hòa Czech trong công tác trao đổi kinh nghiệm, phối hợp hỗ trợ doanh nghiệp hai nước; biên bản ghi nhớ giữa Tập đoàn Armex và Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam về tăng cường, đẩy mạnh hợp tác chung giữa hai đơn vị.

Trong các tháng đầu năm 2024, nhiều hoạt động xúc tiến thương mại quan trọng tiếp tục được tổ chức nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai bên:
       
            Thành phố Hồ Chí Minh tăng cường hợp tác nông nghiệp với các đối tác Cộng hòa Séc: Tháng 3/2024, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đã có buổi tiếp Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Cộng hòa Séc đang trong chuyến thăm và làm việc tại Thành phố. Thành phố muốn thúc đẩy hợp tác toàn diện về chính trị, kinh tế, văn hóa với các đối tác của Cộng hòa Czech; trong đó, xác định hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm là trung tâm trong hợp tác phát triển nông nghiệp giữa hai nước. Nhất trí và hoan nghênh đề xuất tăng cường hợp tác của lãnh đạo TP Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Cộng hòa Séc mong muốn, Séc và Việt Nam, trong đó có TP Hồ Chí Minh có thêm các biện pháp thúc đẩy trao đổi kim ngạch thương mại song phương;

            Tháng 3/2024, nhân chuyến công tác Việt Nam của Bộ trưởng Nông nghiệp Cộng hòa Séc, Đại sứ quán Cộng hòa Séc tại Hà Nội và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp nông nghiệp Séc – Việt Nam. Hơn 40 doanh nghiệp hàng đầu của Cộng hòa Séc hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm sang Việt Nam với mong muốn mở rộng hợp tác, tận dụng tối đa tiềm năng thương mại giữa hai nước. Theo Bộ trưởng Nông nghiệp Séc, trao đổi thương mại, giao thương giữa Séc và Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp ngày càng phát triển mạnh mẽ trong những năm vừa qua. Hai bên còn rất nhiều tiềm năng để tiếp tục mở rộng, phát triển hợp tác song phương. Để đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, Séc đã bổ nhiệm ông Luboš Marek làm đại diện Bộ Nông nghiệp Cộng hòa Séc tại TP Hồ Chí Minh với mục đích hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp Séc – Việt dễ dàng kết nối và hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm.

Việt Nam và Cộng hòa Séc có quan hệ gắn bó và hợp tác trong nhiều thập kỷ. Hai bên đang nỗ lực phát triển quan hệ thương mại song phương và phấn đấu tạo điều kiện thuận lợi nhằm thúc đẩy quan hệ kinh doanh, thương mại và đầu tư của doanh nghiệp hai nước.

Mai Trang

In bài Share