“Bệ phóng” cho hàng Việt sang UAE và Trung Đông
Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Việt Nam - Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) vừa được ký kết sẽ là “bệ phóng” cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang UAE và khu vực thị trường Trung Đông.
Hàng dệt may, cùng với nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, có nhiều cơ hội tăng xuất khẩu sang UAE |
Điện tử, hàng tiêu dùng thẳng tiến sang UAE
2,54 tỷ USD là doanh thu xuất khẩu điện thoại và linh kiện mà Việt Nam đã thu về nhờ xuất khẩu sang thị trường UAE trong 9 tháng của năm 2024. Tiếp đến là máy móc, thiết bị, phụ tùng, máy vi tính và linh kiện với 735 triệu USD; giày dép, hàng dệt may với khoảng 275 triệu USD…
Đơn hàng tăng mạnh ở nhóm hàng điện tử, tiêu dùng đã đưa kim ngạch xuất khẩu 9 tháng của nước ta sang UAE đạt 4,3 tỷ USD, tăng gần 43% so với cùng kỳ năm 2023.
Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE (CEPA) sau khi được hai nước phê chuẩn và đưa vào thực thi sẽ mở “đường lớn” để xuất khẩu tăng tốc hơn nữa.
CEPA được đàm phán chỉ trong vòng hơn 1 năm - thời gian ngắn kỷ lục trong lịch sử đàm phán các FTA. Các nội dung chính của Hiệp định gồm thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, thuận lợi hóa đầu tư, quy tắc xuất xứ, sở hữu trí tuệ, thương mại số, phòng vệ thương mại, các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật (SPS), hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT), hải quan và thuận lợi hóa thương mại…
UAE hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất và là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam tại Tây Á. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong giai đoạn 2018 - 2023, tổng trao đổi thương mại giữa hai nước bình quân đạt khoảng 5 tỷ USD/năm. Tính từ đầu năm đến hết tháng 9/2024, thương mại song phương Việt Nam - UAE đạt gần 5 tỷ USD, tăng hơn 1,4 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2023.
Về cán cân thương mại, Việt Nam luôn xuất siêu sang thị trường UAE với giá trị lớn, khoảng 3 - 4 tỷ USD/năm.
Việt Nam và UAE thống nhất đưa ra cam kết mạnh mẽ về tự do hóa thương mại. Trong đó, UAE cam kết xóa bỏ thuế quan theo lộ trình đối với 99% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang UAE; Việt Nam cũng cam kết xóa bỏ thuế quan theo lộ trình cho 98,5% kim ngạch xuất khẩu của UAE sang Việt Nam.
Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công thương) cho biết, UAE cam kết xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực đối với nhiều ngành hàng chủ lực và có tiềm năng xuất khẩu lớn của Việt Nam như hàng tiêu dùng (điện thoại, máy tính, hàng dệt may, giày dép), nông sản, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ…
Đây là những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam và việc cắt giảm thuế quan từ CEPA sẽ giúp các sản phẩm này cạnh tranh tốt hơn về giá và mở rộng thị phần tại UAE - thị trường có nhu cầu cao về thời trang và hàng tiêu dùng chất lượng.
“UAE sẽ mở cửa cho gần như toàn bộ mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế xuất khẩu, tạo cơ sở thuận lợi cho việc xúc tiến xuất khẩu của ta sang thị trường này và từ đó sang các nước Trung Đông”, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), UAE là một trong những khách hàng tiêu thụ nhiều cá tra Việt Nam. Việt Nam là nguồn cung cá tra lớn nhất tại thị trường UAE (chiếm 40 - 50% thị phần), với sản phẩm chủ yếu là phi lê cá tra đông lạnh UAE có rất nhiều yếu tố phù hợp để trở thành một trong những đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam. Quốc gia này đứng hàng đầu về kinh tế trong các nước Ả rập và đứng thứ 17/61 nền kinh tế có tính cạnh tranh cao trên thế giới, mức tiêu thụ thủy sản bình quân đầu người cao hơn mức trung bình của thế giới, cơ cấu kinh tế nông nghiệp chỉ chiếm chưa đầy 1% và 90% lượng thủy sản tiêu thụ của quốc gia này đến từ nhập khẩu.
Đối với gỗ và các sản phẩm từ gỗ, theo đánh giá của Bộ Công thương, mặt hàng này cũng sẽ được hưởng lợi đáng kể từ CEPA. Hầu hết mặt hàng gỗ, đồ trang trí nội thất tại UAE đều phải nhập khẩu. Với tốc độ đô thị hóa nhanh và sự xuất hiện ngày càng nhiều của các dự án bất động sản cao cấp tại UAE, nhu cầu về sản phẩm gỗ, đặc biệt là đồ nội thất và vật liệu xây dựng rất lớn. Hiện Việt Nam xếp thứ 15 trong danh sách các nước xuất khẩu nội thất sang UAE (sau Trung Quốc, Đức, Ấn Độ...).
Với nhóm hàng nông sản, các sản phẩm như hạt điều, hạt tiêu và mật ong sẽ có cơ hội thâm nhập mạnh mẽ hơn vào thị trường UAE và Trung Đông, nhờ được giảm thuế.
Mục tiêu thương mại song phương đạt 10 tỷ USD không còn xa
UAE có dân số khoảng 9,35 triệu người, quy mô GDP khoảng 415 tỷ USD, GDP bình quân đầu người đạt 44.315 USD/người/năm. Tổng quy mô thương mại của thị trường Trung Đông khoảng 2.000 tỷ USD.
Thương vụ Việt Nam tại UAE cho biết, UAE phải nhập khẩu hầu hết các loại lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng, đồ nội thất để phục vụ nhu cầu của người dân. Do đó, thị trường này hầu như không có rào cản thương mại. Tuy nhiên, hàng hóa nhập khẩu vào UAE phải đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra, đối với nhóm thực phẩm và đồ uống, mỹ phẩm…, cần phải có giấy chứng nhận tiêu chuẩn Halal.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá, với CEPA, khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam tại UAE chắc chắn sẽ tăng lên và đây là cơ hội để doanh nghiệp Việt đuổi kịp, thậm chí vượt lên các đối tác khác ở thị trường quan trọng này.
Ngoài ra, cơ cấu nền kinh tế và thương mại của hai nước mang tính bổ sung cho nhau. Do vậy, CEPA là tiền đề thuận lợi để Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu những mặt hàng thế mạnh sang UAE và tiếp đó là các nước trong khu vực Trung Đông, Tây Á, châu Phi.
Với kinh nghiệm ký kết và thực thi 16 FTA, Việt Nam và UAE thống nhất triển khai hiệu quả CEPA để tạo đột phá cho trao đổi thương mại, mở cửa thị trường hơn nữa, hướng tới mục tiêu đưa kim ngạch thương mại song phương lên trên 10 tỷ USD trong thời gian tới.
Mai Trang