The News

Xuất khẩu nông sản sang thị trường châu Âu: Cánh cửa đang rộng mở

07/10/2019

(HNM) - Liên minh châu Âu (EU) là thị trường nhập khẩu nông sản lớn thứ ba của Việt Nam. Với việc Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) vừa được ký kết và dự kiến có hiệu lực từ đầu năm 2020, cánh cửa đã rộng mở cho nông sản Việt Nam tiến vào thị trường trên 500 triệu dân. Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Việt Nam phải tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm nếu muốn thâm nhập thị trường "khó tính" với những đòi hỏi khắt khe bậc nhất thế giới này.

(HNM) - Liên minh châu Âu (EU) là thị trường nhập khẩu nông sản lớn thứ ba của Việt Nam. Với việc Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) vừa được ký kết và dự kiến có hiệu lực từ đầu năm 2020, cánh cửa đã rộng mở cho nông sản Việt Nam tiến vào thị trường trên 500 triệu dân. Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Việt Nam phải tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm nếu muốn thâm nhập thị trường "khó tính" với những đòi hỏi khắt khe bậc nhất thế giới này.

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU được ký kết đã tạo điều kiện thuận lợi cho nông sản Việt Nam thâm nhập thị trường châu Âu. Trong ảnh: Dây chuyền hiện đại chế biến ngô ngọt xuất khẩu tại Công ty Vifoco (xã Song Khê, thành phố Bắc Giang). Ảnh: Vũ Sinh – TTXVN

Rau quả, thủy sản có lợi thế lớn

Theo Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Lâm San (tỉnh Đồng Nai) Nguyễn Ngọc Luân, trung bình mỗi năm, hợp tác xã này xuất khẩu 1.000 tấn hồ tiêu sang thị trường châu Âu, năm nay dự kiến tăng 1,5 lần với giá bán cao hơn 20% so với các thị trường khác.

Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam Nguyễn Nam Hải cho biết thêm, kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam sang EU vào khoảng 40.000 tấn mỗi năm, đáp ứng đến 53% nhu cầu hồ tiêu của thị trường này.

Cùng với hồ tiêu, nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam cũng đang tạo dựng "chỗ đứng" ở các nước trong khối EU. Cụ thể, 8 tháng năm 2019, rau, quả xuất sang Hà Lan chiếm 27,9% thị phần xuất khẩu rau, quả; hạt điều xuất sang Bỉ chiếm 38,9%…

Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản cho biết, EU hiện là một trong 3 thị trường nhập khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam và trong 8 tháng năm 2019, xuất khẩu nông sản sang thị trường này chiếm trên 12% thị phần nông sản xuất khẩu của Việt Nam.

Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) Trần Ngọc Quân nhận định: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU đang mở rộng cánh cửa để nông sản Việt Nam thâm nhập vào châu Âu. Đáng chú ý, EU cam kết xóa bỏ 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau, quả và các chế phẩm từ rau, quả ngay khi hiệp định có hiệu lực, vì nhu cầu về rau, quả nhiệt đới của thị trường này rất lớn...

Cùng với đó, EU đang là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ hai của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 17% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Những năm qua, chỉ số tiêu dùng thủy sản tại thị trường EU tăng cao do xu hướng thay đổi trong bữa ăn hằng ngày của người dân (sử dụng thủy sản nhiều hơn). Với EVFTA, thủy sản Việt Nam sẽ có cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh so với các đối thủ; đồng thời mở rộng thị trường xuất khẩu…

Với những lợi thế nêu trên, Việt Nam có khả năng gia tăng xuất khẩu nông sản vào thị trường EU. Tuy nhiên, đi cùng với cơ hội là những thách thức.

Tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm   

EU là thị trường có những yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm, nguồn gốc nông sản... Ngoài những cam kết về xuất xứ chung thì đối với từng nhóm sản phẩm nông, lâm, thủy sản khác nhau sẽ có quy định và cam kết khác nhau.

Với sản phẩm gạo, điều bóc vỏ, hồ tiêu, cà phê, thủy sản chế biến, tôm..., EU yêu cầu giá trị nguyên vật liệu đầu vào không vượt quá 70% giá xuất xưởng và bắt nhà cung cấp chứng minh công đoạn sản xuất được thực hiện ở Việt Nam. Với rau quả, EU yêu cầu các sản phẩm phải tuân thủ nhiều tiêu chuẩn về chất độc hại, dư lượng kháng sinh, dư lượng thuốc trừ sâu…

Quả vải được chiếu xạ trước khi xuất khẩu sang các nước, trong đó có thị trường châu Âu.

Về vấn đề này, Trưởng phòng An toàn thực phẩm và môi trường, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) Vương Trường Giang nhận định: Đây là những rào cản mà nông sản Việt Nam phải bước qua để vào được thị trường EU. Các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Việt Nam phải có giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm, kiểm soát từ khâu sản xuất đến chế biến, bảo quản; đồng thời xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn để xác định nguồn gốc sản phẩm.

Ông Hans Farnhammer, Bí thư Thứ nhất Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, đưa ra lời khuyên: "Các doanh nghiệp Việt cần có hệ thống cảnh báo nhanh của EU đối với nông sản. Nếu doanh nghiệp thiếu kiến thức về các rào cản thương mại sẽ không có cơ hội tiếp cận những thị trường mới ở châu Âu".

Để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam thâm nhập thị trường EU, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, trang web của Cục Bảo vệ thực vật thường xuyên cập nhật những thay đổi tại các thị trường xuất khẩu nông sản, do đó doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường EU cần liên tục cập nhật để chủ động kế hoạch kinh doanh, nắm vững những tiêu chuẩn của hàng hóa…

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng cho biết, Bộ NN&PTNT đang phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn, quy hoạch vùng sản xuất nguyên liệu, có những cơ chế thu hút doanh nghiệp...

Theo Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Cường, Bộ NN&PTNT sẽ cùng các địa phương tiếp tục đẩy mạnh quy hoạch sản xuất, chế biến theo 3 nhóm sản phẩm: Sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, sản phẩm là đặc sản địa phương gắn với thế mạnh từng vùng, từng loại sản phẩm. Hiện tại, Bộ NN&PTNT đã phê duyệt quy hoạch vùng cây ăn quả chủ lực trồng tập trung và định hướng rải vụ một số cây ăn quả ở Nam Bộ đến năm 2020…

Song hành với Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương đang triển khai nhiều chương trình, kế hoạch giúp doanh nghiệp tận dụng tối đa những lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, mở rộng cánh cửa xuất khẩu sang các thị trường lớn, trong đó có EU.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nêu định hướng: Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với các tham tán thương mại tại các nước Liên minh châu Âu, cùng nắm bắt, tháo gỡ những rào cản, thu hút đầu tư vào sản xuất, chế biến, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh giúp doanh nghiệp vững bước vào thị trường giàu tiềm năng EU.

Cùng với nỗ lực của các cơ quan quản lý thì sự chủ động của doanh nghiệp có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Nếu doanh nghiệp không thay đổi tư duy, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng trách nhiệm tuân thủ môi trường, trách nhiệm xã hội... thì sẽ khó vượt qua các rào cản kỹ thuật của EU.

Theo chia sẻ của một số doanh nghiệp đang xuất khẩu nông sản sang EU, muốn thâm nhập sâu thị trường này không nên đặt nặng số lượng xuất khẩu, thay vào đó nên nâng cấp hệ thống quản lý và đầu tư vào giá trị sản phẩm; mấu chốt nằm ở chất lượng, sự minh bạch về nguồn gốc sản phẩm, mẫu mã và thương hiệu.